Dùng thiên địch diệt sâu lạ ăn sạch lá cây ở Bến Tre

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 22:30:38

Những vườn dừa ở Bến Tre bị một loài sâu lạ ăn sạch lá, xơ xác khiến cây chết, theo chuyên gia là một loài bướm đêm mà thiên địch là ong ký sinh.


Cây xơ xác như nhiễm chất độc hóa học


Thời gian gần đây, loại sâu lạ lại tiếp tục tàn phá nhiều vườn dừa ở Bến Tre. Chỉ sau một đêm, cây dừa khô xác xơ, trái rụng sạch như bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Huỳnh Thị Tuyền (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, dừa bị sâu ăn, phun xịt đủ thứ thuốc mà cây vẫn chết.

Ở Bến Tre, dịch sâu lạ hại dừa xuất hiện vào khoảng tháng 5/2020 tại khu vườn rộng 5.000m2 với 120 gốc dừa hơn chục năm tuổi của ông Năm Giúp (Bồ Quang Giúp, ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại).

Tháng 5/2020, khi đi thăm vườn, ông phát hiện cây dừa tự nhiên héo lá bất thường. Khi ông kéo mấy tàu lá dừa bị héo xuống xem thử thì tá hỏa phát hiện hàng trăm con sâu lạ đang ẩn nấp trong các bẹ lá, xúm nhau ăn lá cây.

“Mấy chục năm trồng dừa, tui chưa từng thấy sâu nào kỳ lạ như vậy. Sau khi ăn hết lá dừa non và già, lũ sâu ăn tới phần vỏ của những trái dừa non, dừa đang độ uống nước, khiến trái dừa sau đó bị hư và rụng sạch. Chỉ có lá và trái dừa khô là đám sâu lạ không thèm đụng tới”, ông Năm nhớ lại.

Sâu lúc còn non lớn bằng cây tăm tre xỉa răng, màu trắng, khi trưởng thành chuyển sang màu xám. Lúc chuẩn bị hóa nhộng để thành bướm, nó chuyển sang màu nâu, to bằng thân hai cây tăm xỉa răng.

Khi hóa bướm, con bướm sâu lạ có màu trắng toàn thân, bay phát tán khắp nơi trong các vườn dừa, tiếp tục chu kỳ đẻ trứng, nở sâu phá hoại cây trái. Con sâu lạ và con bướm hóa thân của loài sâu này không gây ngứa ngáy, nổi mề đay như những loại sâu ăn lá dừa thông thường.

Sau khi phát hiện sâu lạ hại dừa, ông đã thuê người mua đủ thứ thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt nhằm diệt sâu, cứu vườn cây. Nhưng phun thuốc 4 - 5 lần mà sâu đầu đen và con bướm vẫn trơ trơ không chết.


Sử dụng ong ký sinh làm thiên địch

Không chỉ ở Bến Tre, tình trạng sâu ăn trụi lá đã từng xuất hiện ở Bình Dương và TPHCM. Để tìm hiểu về loại sâu này, Viện Sinh thái học miền Nam đã gây nuôi và tiến hành xác định loài.

Kết quả nhận định ban đầu đã cho biết đây là loài bướm đêm nằm trong giống Antheraea, có tên gọi chung là Ngài tơ tasar (tussar), tên tiếng Anh là Tasar silkmoth (hoặc Tasar silkworm), thuộc họ Ngài hoàng đế (Saturniidae), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera).

TS Tô Văn Quang, Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, giống bướm đêm này được nhận xét là rất khó phân loại, do đặc điểm đa hình và nhiều quần thể trong cùng một loài tiến hóa tách biệt, tạo nên các loài phụ. Mặc dù vậy, dựa trên hình thái bên ngoài, nhóm nghiên cứu đã xác định được đây là loài ngài tơ tasar hoang dã Antheraea frithi Moore.

Loài này có vùng phân bố khá rộng, từ Ấn Độ trải dài sang phía Nam Trung Quốc, xuống đến đảo Java ở Indonesia. Giống Antheraea được ghi nhận chủ yếu trong các khu rừng tự nhiên, có kích thước lớn, sải cánh thường trên 10cm, và sâu của chúng có thể ăn được trên nhiều loại cây khác nhau.

Kẻ thù tự nhiên của các loài ngài tơ tasar khá đa dạng, bao gồm ong kí sinh, ong vò vẽ, kiến vàng, bọ xít, ruồi kí sinh và bọ ngựa. Thời gian từ lúc trứng nở đến hết sâu tuổi 5 là khoảng 30 - 45 ngày, từ kén phát triển thành bướm đêm mất khoảng 25 - 45 ngày nhưng có thể lâu hơn nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Hầu hết sâu khi hóa kén đều quấn 2 - 3 chiếc lá bao xung quanh rồi mới kéo tơ và bọc lấy cơ thể bằng một cái kén dày, nên việc xử lí bằng cách phun thuốc chỉ có thể làm chết sâu, không ảnh hưởng đến các con đã hóa nhộng.

Do đó cần thiết thực hiện thêm một bước nữa là thu nhận thủ công các cái kèn này, để tránh tình trạng chúng vẫn có khả năng nở thành bướm đêm và tiếp tục giao phối duy trì quần thể sau này.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TPHCM nghiên cứu phát hiện được 10 loài thiên địch (chủ yếu là ong ký sinh - OKS) có khả năng diệt trừ sâu đầu đen, trong đó có một số loài hoạt động rất tốt tại những nước trồng dừa như Ấn Độ, Thái Lan.

Những loài ong ký sinh chủ yếu được sử dụng để chống sâu đầu đen ở Bến Tre gồm: Habrobracon hebetor (ký sinh ấu trùng sâu đầu đen), Trichospilus pupivorus và Brachymeria sp (ký sinh trên nhộng sâu đầu đen).

Đến nay đã có khoảng 80 triệu con ong ký sinh các loại được thả vào môi trường tự nhiên để diệt sâu đầu đen, hiệu quả ban đầu khá tốt với 792ha dừa có dấu hiệu hồi phục.

Ghi lại được cảnh 'rắn' plasma 'trườn' trên bề mặt Mặt Trời với tốc độ 612.000 km/h

Chia sẻ Facebook