Đừng sợ nếu 'cây ngay'!

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:46:51

Ngành y tế TP.HCM đang thiếu thuốc, thiếu vật tư, thậm chí thiếu nhân lực nghiêm trọng. Không riêng ngành y tế, cách nay không lâu, một lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định có không ít cán bộ đang thúc thủ, không dám làm gì, sợ pháp luật "sờ gáy".

Thuốc điều trị khan hiếm tại nhiều bệnh viện. Trong ảnh: một bệnh nhân ở Cần Thơ lên TP.HCM khám bệnh phải ra ngoài mua thêm một số loại thuốc, chiều 13-6 - Ảnh: TỰ TRUNG


Nhiều ý kiến cho rằng có nỗi sợ sau hàng loạt sai phạm bị khởi tố.


Loại trừ chuyện “án binh bất động” bởi động cơ tiêu cực, quả là cơ chế hiện nay có nhiều điểm lạc hậu, không theo sát cuộc sống. Nếu cứng nhắc nguyên tắc thì có khi, có lúc coi như “bó tay”, cố làm có thể bị bắt bẻ. Hậu quả: xã hội thiệt hại, người dân khổ sở, kìm hãm sự phát triển.

Vấn đề nêu trên không phải bây giờ mới xuất hiện, nó từng tồn tại thời đêm trước đổi mới. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đó, dù tư duy bao cấp còn rất nặng nề, một số người vẫn mạnh dạn "bung ra". Điển hình là ông Kim Ngọc - bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - người chắp cánh cho phong trào "khoán chui". Ông Kim Ngọc trở thành nhân tố đáng ghi nhận đối với việc xây dựng chủ trương "khoán hộ", giúp nông dân vượt qua giai đoạn cam go nhất.

Những năm 1980 - 1990, đất nước rơi vào tình trạng kiệt quệ, gần như đứng bên bờ vực thẳm. Tại TP.HCM, lập tức nổi lên hàng loạt doanh nghiệp "phá rào". Bà Nguyễn Thị Đồng - nguyên bí thư Đảng ủy Công ty Dệt Thành Công - trả lời thẳng thắn: "Không phá rào không làm được gì hết!". Ông Võ Văn Kiệt - thời đó là bí thư Thành ủy TPHCM - chính là người từng có những chính sách "xé rào" để đổi mới.

Hẳn nhiên không thể so sánh chuyện mấy chục năm trước với hiện nay. Cũng không thể cổ vũ kiểu "phá rào" vô lối. Ở nơi nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, muốn sửa đổi hành lang pháp lý phù hợp với bước tiến của thực tiễn thì cơ sở phải lên tiếng bằng việc thể hiện tính năng động, sáng tạo, còn ngồi chờ là tự mình trói mình.

Tất nhiên là phải hành động trong sáng, gấp rút thí điểm theo yêu cầu thực tiễn. Cuộc sống luôn đòi hỏi những người dũng cảm, không vì nỗi sợ sệt mà để mọi ách tắc trôi nổi đến đâu hay đến đấy.

Ở TP.HCM, đặc biệt là ngành y tế, đang rơi vào khủng hoảng trách nhiệm thực thi công vụ. Đề cập vấn đề này, trong cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 21-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ở tầm quốc gia, Chính phủ phải có giải pháp chiến lược, nhưng chính quyền địa phương cũng phải có giải pháp cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc TP.HCM phải linh hoạt, tự chủ khơi thông bất cập, hóa giải cản trở.

Muốn cơ sở mạnh dạn hơn, các cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cần thực hiện đúng tinh thần: khi thí điểm mà kết quả không đạt hay chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì phải đánh giá công tâm, xử lý phù hợp để miễn giảm trách nhiệm.

Kết luận của Bộ Chính trị hoàn toàn đúng đắn, nhưng để tạo niềm tin và đi vào cuộc sống, không chỉ đơn thuần là xây dựng văn bản quy trình, quy định cụ thể mà phải có những lãnh đạo đồng hành với cơ sở, thấu hiểu những phức tạp, nhạy cảm hiện hành, sẵn sàng làm điểm tựa cho đột phá, "xé rào" như các ông Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt...

Có cơ chế bảo vệ cái đúng và với trách nhiệm cũng như bản lĩnh của người lãnh đạo thì hẳn sẽ không có nỗi sợ trong thực thi công vụ, để cùng động viên nhau đi tới rằng: Đừng sợ nếu "cây ngay"!

Sáng 21-6, tại hội nghị tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 với cử tri quận 5, 8, 11 (TP.HCM) sau lần họp thứ 3 kỳ họp Quốc hội khóa XV, cử tri đặt nhiều câu hỏi và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề y tế.

Chia sẻ Facebook