Dùng sim điện thoại chính chủ lập tài khoản ngân hàng ảo lừa đảo
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) mới ra lệnh khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nghiêm Văn Dũng (sinh năm 1991, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Dùng sim điện thoại chính chủ lập tài khoản ngân hàng ảo lừa đảo
Theo tài liệu điều tra, vào tháng 5/2020, biết chị Nguyễn Thu H. (sinh năm 1990 ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm nghề cộng tác viên tài chính và môi giới, hỗ trợ cấp thẻ tín dụng cho một ngân hàng ở Hà Nội, Dũng tìm đến chị H nhờ giúp làm thẻ tín dụng và đề nghị góp vốn cùng làm ăn. Sau một thời gian giữa chị H. và Dũng xảy ra mâu thuẫn nên cả hai cắt đứt quan hệ. Chị H. tiếp tục làm một mình, còn Dũng đã lên kế hoạch chiếm đoạt tiền của chị H.
Cuối năm 2020, Dũng nhờ chị họ là Lê Diễm Huyền T (sinh năm 2000, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra chi nhánh nhà mạng, đăng ký 2 sim chính chủ số 03286336xx và số 03286653xx. Dũng cũng mua lại 1 sim điện thoại của người quen số 03335084xx với giá 1,5 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, đối tượng lập 2 tài khoản Zalo mang tên “Tuấn Anh”và “Phan Thùy Linh” đăng thông tin giới thiệu có khả năng làm thẻ tín dụng hạn mức cao, nên đã có 3 khách hàng nhờ làm giúp.
Mặc dù không có chức năng làm thẻ tín dụng, nhưng Dũng vẫn dùng các tài khoản zalo “ảo” hướng dẫn 3 khách hàng gửi các giấy tờ và mở tài khoản ngân hàng, sử dụng 3 số điện thoại mà Dũng đang sở hữu để nhận mã OTP qua dịch vụ Internet banking.
Sau đó, Dũng dùng chính nick zalo ảo nhờ chị Nguyễn Thu H. tư vấn mở thẻ tín dụng với hạn mức 40 triệu đồng/thẻ. Để tránh bị lộ diện, nam thanh niên này đã thuê Phùng Văn K. (sinh năm 1993, trú tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) dùng nick Zalo “Tuấn Anh”, một mặt liên hệ với 3 khách hàng của Dũng để nhận hồ sơ, mặt khác liên hệ với chị H. để gửi các hồ sơ này kèm 3 chiếc điện thoại thông minh có cài đặt sẵn app và mật khẩu Internet banking của ngân hàng theo chỉ đạo của Dũng. Ba chiếc điện thoại này được lắp 3 chiếc sim mà Dũng nhờ người đăng ký chính chủ trước đó.
Tin vào “nick ảo” của Dũng dưới tên Tuấn Anh theo đăng ký sim điện thoại chính chủ, chị H. tiếp nhận hồ sơ. Ngày 10/2/2021, do cần chuyển tiền với số lượng lớn mà không muốn bị vượt hạn mức, chị H. chợt nhớ ra 3 tài khoản ngân hàng của khách hàng “Tuấn Anh” cho người đưa trước đó. Chị H liền chuyển tổng cộng 1.550.000 đồng vào 3 tài khoản trên. Sau đó đã chuyển đi 75 triệu đồng để lo việc.
Bằng thủ đoạn qua mặt nhân viên tổng đài của ngân hàng, Dũng biết được trong 3 tài khoản đăng ký bằng sim điện thoại cung cấp cho chị H có tiền. Ngay lập tức, Dũng nhờ chị họ Lê Diễm Huyền T. cùng mình đi ra chi nhánh nhà mạng báo mất hai sim số 03286336xx và 03286653xx để cấp đổi sim mới. Đối tượng cũng nhờ khách hàng là anh Lê Đức Huy ra ngân hàng đề nghị thay đổi số điện thoại nhận mã OTP sang số điện thoại khác Dũng cũng mua trước đó. Nhờ việc này, rất nhanh chóng Dũng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng trong 3 tài khoản chị H. đang giữ quyền quản lý.
Mất tiền dù điện thoại và sim vẫn giữ trong tay, chị H. đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) trình báo. Từ khai báo của chị H, cơ quan công an đã lần ra manh mối phạm tội của Dũng và căn cứ vào các camera an ninh ngân hàng đặt tại các máy ATM đã bắt quả tang Dũng đang rút tiền từ tài khoản chiếm đoạn.
Thông qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo, nghiêm cấm người dân mua bán tài khoản, thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Người dân cần cảnh giác, không để lộ lọt thông tin cá nhân khiến tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Nâng cao ý thức bảo mật khi sử dụng tài khoản ngân hàng;
Đồng thời, cơ quan công an đề xuất cơ quan có thẩm quyền tăng nặng chế tài xử lý đối với các cá nhân mua bán tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân. Về phía các ngân hàng siết chặt việc kiểm soát, thẩm định hồ sơ và quản lý thông tin khách hàng, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng.
Mỵ Châu
Pháp luật VN