Dùng rác đổi... đĩa nhạc

Chia sẻ Facebook
19/07/2022 01:05:47

Một rapper trẻ tuổi đình đám trong cộng đồng nhạc Rap Underground tại Việt Nam - Đạt Maniac đã thông báo: album đầu tiên của anh sẽ được phát hành dưới hình thức đổi lấy... rác. Cách làm chưa từng có tiền lệ này đang rất được chú ý trong cộng đồng nghe nhạc cũng như giới trẻ.


10kg rác tái chế đổi 1 đĩa nhạc

Trong cộng đồng Rap Underground ở Việt Nam, Đạt Maniac đã có một vị trí đủ vững để không bị khán giả nghi ngờ dùng chiêu trò khi phát hành album. Anh là một trong số ít ỏi nghệ sĩ Việt được MTV Asia mời biểu diễn tại chương trình Yo! MTV Rap phiên bản châu Á. Đồng thời Đạt cũng được mệnh danh là "ma tốc độ" của Rap Việt với kỉ lục rap 176 từ trong 20 giây.

Thông tin đổi rác lấy album khiến người hâm một Đạt Maniac vừa ngạc nhiên vừa mừng. Bởi sau 14 năm chơi rap, không ai ngờ ca sĩ yêu thích của họ lại chọn cách chào sân "bao ngầu" như vậy. Cụ thể, rapper này sẽ không bán album bằng hình thức thu tiền như thông thường: "Mọi người sẽ phải gom 10 cân rác, mà đó phải là rác thải tái chế được, đến ba địa điểm TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội để đổi lấy album (có thể là đĩa nhạc hoặc USB chứa file bài hát)".

"Không tin nổi. Đúng là idol của lòng em. Ý thức công dân không thể tốt hơn. Sẽ cố gom phế liệu để ủng hộ cách làm văn minh này"! Người hâm mộ rộn ràng để lại tin nhắn sau khi biết ý định của Đạt Maniac.

Rapper Đạt Maniac sẽ phát hành album đầu tiên bằng cách đổi lấy rác


"Bây giờ người ta viết rap nhiều, nhưng sao chưa ai nói về vấn đề môi trường này hết. Tôi nghĩ mình có thể chia sẻ về vấn đề này với nhiều người. Nếu làm được tôi sẽ là rapper đầu tiên thu được ba tấn rác" – Đạt Maniac chia sẻ.

Anh cũng tiết lộ: sẽ có hai đợt gom rác, nếu đợt thứ nhất thành công, anh mong muốn có thể đem hàng tấn rác thải nhựa ấy "ép" thành đĩa vinyl như một thành phẩm gợi kỉ niệm cho người hâm mộ. Ngoài ra, nam rapper còn có ý định làm những món đồ từ vật liệu tái chế như chén, dĩa, vật dụng ăn uống...

Một trong số các bản hit ăn khách của Đạt Maniac được hứa hẹn có mặt trong album là "Thiên hà trước hiên nhà". Đây là ca khúc có bối cảnh dựa trên những sự kiện đã xảy ra trong năm 2020 khi môi trường thiên nhiên liên tục bị tàn phá kèm theo dịch bệnh bùng nổ khiến con người mất liên kết với hành tinh của mình. Tác phẩm gửi đi thông điệp mong muốn con người biết trân trọng môi trường nguyên thuỷ, luôn sáng tạo và phục hồi.


Trách nhiệm của nghệ sĩ

Trong làng giải trí Việt, một số nghệ sĩ đi trước Đạt Maniac đã tiến hành nhiều dự án kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường. Có thể kể đến phim ngắn "Về đâu" của bộ đôi đạo diễn Hải Thanh và diễn viên Võ Thành Tâm ghi lại hành trình đi nhặt rác của nam diễn viên "Lật mặt: 48h" trong năm ngày, trải dài từ Cam Ranh đến Yên Bái. Bộ phim đã nhận được phản hồi rất tốt từ khán giả. Được biết, Võ Thành Tâm và Hải Thanh sẽ tiếp tục hành trình này với mong muốn lan toả ý thức nói không với rác thải nhựa đến cộng đồng.

Trước đó nữa, diễn viên Hứa Vỹ Văn cũng làm một triển lãm tranh cá nhân "Vùng yên" với chủ đề biển đảo và môi trường thu được tiếng vang lớn. Toàn bộ tiền bán tranh được anh dành tặng cho công tác chống dịch COVID-19.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng là một đại sứ môi trường có tầm ảnh hưởng rộng trong giới trẻ. Dự án "Rừng Việt Nam" của Hà Anh Tuấn đã trồng được hàng triệu cây xanh cho những vùng rừng trống của Việt Nam trải dài từ Hà Giang, Đà Nẵng đến Bình Thuận... Đáng nói, toàn bộ số tiền đầu tư cho dự án này đều là do chính Hà Anh Tuấn bỏ ra.

Diễn viên Võ Thành Tâm trên hành trình đi nhặt rác trong phim ngắn "Về đâu"


"Nhiều ngọn lửa nhỏ sẽ nhen lên một ngọn lửa lớn" là lý thuyết lan tỏa hành vi bảo vệ môi trường của “giám đốc nhặt rác” Đào Đặng Công Trung. Người đàn ông sinh năm 1979 này đã dành hơn 10 năm đều đặn nhặt rác ở Sơn Trà (Đà Nẵng) mỗi ngày 2 lần theo đúng cung đường đi làm – về nhà của anh. Hình ảnh cái xe Dream cũ của anh Trung ngày này cũng bao lớn bao nhỏ chở rác xuống núi đã tác động đến nhận thức và hành vi của nhiều người. "Trước ở Sơn Trà 10 người xả rác chỉ có một hai người nhặt. Nay cũng ở đây, tỷ lệ này đảo chiều, chỉ còn một hai người xả trong khi có tới 8-9 người nhặt. Cán bộ công chức, thanh niên, học sinh, sinh viên... nhiều người liên lạc với tôi ngỏ ý muốn đi nhặt rác cùng. Một số tua leo núi cũng nhờ tôi dẫn đường để vào sâu trong rừng vừa khám phá vừa nhặt rác", anh Trung chia sẻ.

Chia sẻ Facebook