Dùng qua chiếc điện thoại này mới thấy từ bỏ Google khó đến thế nào
Hệ điều hành /e/OS đã cố gắng hết sức để thoát khỏi sức ảnh hưởng của gã khổng lồ tìm kiếm, nhưng nó không thể cứu cả hệ sinh thái Android.
Một chiếc điện thoại Android không Google. Không có bất kỳ ứng dụng Google nào, không Google Play Services, không Google Assistant. Không phải lo ngại bị Google theo dõi và bòn rút dữ liệu, không quảng cáo nhắm đối tượng, cũng không có cảm giác như quyền riêng tư của bản thân chỉ là một khái niệm mơ hồ vô nghĩa. Một số công ty, như Huawei, đã bị buộc phải thiết kế nên những thiết bị như vậy. Số khác thử sức vì muốn đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng, đồng thời là động thái đáp trả sự bá quyền của nhóm Big Tech. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa có giải pháp nào thực sự phát huy hiệu quả.
Giống hàng triệu người khác, tôi đã trở thành một sản phẩm của Google
Tôi cần một thứ gì đó mà mình có thể đề xuất bố mẹ và con cái mình dùng. Một thứ vừa hấp dẫn, vừa đảm bảo mang lại nhiều quyền riêng tư hơn. Một thứ mà chúng tôi có thể tạo ra trong một khoảng thời gian hợp lý, và sẽ dần tốt hơn theo thời gian
Hệ điều hành mang tên /e/OS hiện đã có mặt trên một vài thiết bị từ trước, nhưng nay, Murena mới chính thức tung nó ra với phiên bản /e/OS V1 cùng mẫu smartphone đầu tiên của công ty là Murena One, giá 369 USD.
Mọi người sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ khi bước vào một môi trường đặt nặng tính riêng tư, nhưng chúng tôi nhận thấy camera là thứ mà mọi người có thể rất kén chọn
Nhìn chung, camera của Murena One là khá tốt, nhưng không đến mức tuyệt vời như trên các điện thoại gần đây của Google, Apple, hay Samsung.
Nhằm loại bỏ mọi tàn dư có thể của Google, Murena buộc phải tự dựng nên rất nhiều thứ. Phần mềm của /e/OS đi kèm với: một ứng dụng nhắn tin tùy biến, để bạn không cần Google Messages nữa; một trình duyệt thay thế Chrome; một ứng dụng bản đồ sử dụng dữ liệu OpenStreetMap thay vì Google; một ứng dụng email, lịch, hệ thống lưu trữ tập tin, danh bạ, và gần như mọi thứ khác bạn có thể thấy trong bộ Google Workspace; cả các ứng dụng ghi chú, nhắc việc, nhạc, ghi âm nữa. Murena thậm chí còn định tung ra trợ lý ảo riêng tên Elivia, để bạn có thể an tâm tạm biệt Google Assistant.
Murena cũng xây dựng nền tảng đám mây làm backend cho các dịch vụ nói trên, cho phép bạn kiểm tra email trong ứng dụng email của /e/OS và sử dụng luôn địa chỉ email /e/ thay vì gmail.com. Mọi dịch vụ trực tuyến của bạn sẽ nằm trên Murena Cloud thay vì các dịch vụ của Google hay Microsoft. Dưới một góc độ nào đó, điều bạn thực sự đang làm là dời nhà từ một nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, nhưng Murena khẳng định mọi sản phẩm của họ được thiết kế với cùng bộ tiêu chuẩn riêng tư xoay quanh chống theo dõi như các smartphone của hãng vậy.
Đó là một nỗ lực đáng khen ngợi, nhưng đó là tất cả những gì Murena có thể làm để xóa xổ Google. Mọi công ty từng một lần thử sức, từ Harmony OS của Huawei cho đến những dự án yểu mệnh như Ubuntu Touch và Firefox OS, đều cay đắng nhận ra một điều như nhau: không có hệ sinh thái ứng dụng Android, điện thoại của bạn sẽ chết từ trong trứng nước. Do đó, Murena quyết định tự cung, tự cấp: công ty này thay thế luôn Play Store của Google bằng App Lounge của mình, một nơi cho phép bạn cài mọi ứng dụng Android quan trọng - bao gồm cả những ứng dụng của Google - nhưng không hề có bóng dáng của Google.
Tuy nhiên, để sử dụng App Lounge, bạn phải đồng ý với thỏa thuận dịch vụ của nó, trong đó ngay trên cùng sẽ cung cấp cho bạn hai lựa chọn - đăng nhập bằng tài khoản Google, hoặc duyệt Lounge ẩn danh - nhưng cách nào đi nữa thì bạn cũng sẽ phải tải ứng dụng từ...Google mà thôi, chỉ khác ở chỗ giao diện cửa hàng ứng dụng nay đã khác. App Lounge sẽ lấy thông tin trực tiếp từ Play Store (mà không khai báo với Google bạn là ai, theo Murena) và sử dụng Google để thực hiện mọi giao dịch thanh toán.
App Lounge có một số ứng dụng không xuất hiện trên Play Store, và bạn có thể vào cài đặt để chọn chỉ hiển thị các ứng dụng mã nguồn mở và ứng dụng web (PWA), nhưng khi đó số lượng ứng dụng sẽ cực kỳ hạn chế!
Việc kết nối đến Google này như một gáo nước lạnh dội vào những hứa hẹn của Murena, khiến nhiều người dùng thử nghiệm sản phẩm cho hãng phát cáu, nhưng thực ra Murena cũng không còn lựa chọn nào khác. " Một chiếc smartphone không bị Google theo dõi " là một ý tưởng hấp dẫn với nhiều người dùng, nhưng " một chiếc smartphone không có bất kỳ ứng dụng nào bạn muốn" là thứ khiến tất cả mọi người quay lưng đi" . Noetinger nói rằng Murena có thể tạo ra một chiếc điện thoại Linux đáp ứng được mọi yêu cầu về quyền riêng tư của mọi người, nhưng sẽ chẳng có gì thú vị bởi nó chẳng có ứng dụng nào. Và sẽ chẳng ai muốn nó cả. Murena tìm cách để đáp ứng được cả hai thứ, nhưng sự thật là không thể được. Bạn không thể có được trải nghiệm Android hoàn chỉnh mà không có sự góp mặt của Google.
Thay vào đó, khi bạn đăng nhập vào Google hoặc sử dụng các dịch vụ của hãng, Murena sẽ tìm cách giảm thiểu lượng dữ liệu Google có thể thu thập. Họ dựa vào một dự án gọi là MicroG, về cơ bản là một bản sao đề cao tính riêng tư hơn của một số thư viện mà Google yêu cầu phải có mới chạy được các ứng dụng của hãng, để bạn có thể sử dụng các ứng dụng đòi hỏi Google Play Services mà không phải thực sự sử dụng Google Play Services. Giải pháp này hoạt động gần như hoàn hảo, dù rằng bạn sẽ phải "đào bới" Settings để đăng nhập được vào tài khoản Google trên Murena One. Chắc chắn nhiều người mua các thiết bị /e/OS về sẽ tức tốc cài Google Maps cùng Chrome, nhưng đó vẫn là một lỗi khó chịu.
Hướng đi của Murena nhằm cải thiện quyền riêng tư không phải tập trung mạnh vào việc ngăn chặn thu thập dữ liệu, mà chủ yếu là tăng cường bảo mật. Nếu bạn kích hoạt Advanced Privacy trong /e/OS, hệ thống sẽ sử dụng một VPN để ẩn đi vị trí của bạn - hoặc bằng cách chọn một địa điểm ngẫu nhiên nào đó trên thế giới, hoặc cho phép bạn chọn nơi bạn muốn - và thậm chí là ẩn địa chỉ IP của bạn khỏi những website đang truy cập. Nó còn tìm cách chặn tracker trong mọi ứng dụng mà bạn tải về và có vẻ như thực hiện khá thành công.
Advanced Privacy cũng đi kèm những nhược điểm. Đầu tiên, rất khó để sử dụng các ứng dụng thời tiết hay bản đồ, khi mà điện thoại nghĩ rằng bạn đang ở Singapore trong khi thực ra bạn đang ở Việt Nam! Rất nhiều ứng dụng cũng phụ thuộc vào vị trí địa lý theo cách này hay cách khác, do đó bạn sẽ phải chấp nhận tắt tính năng này đi với các ứng dụng như Netflix hay YouTube TV. Murena muốn tạo nên một phần mềm bảo vệ quyền riêng tư dễ sử dụng, nhưng cuối cùng nó lại khiến người dùng phải đau đầu hơn trước.
Tất nhiên, /e/OS vẫn dựa trên Android. Murena One chạy một phiên bản fork của Android 10 dựa trên Lineage OS, một bản Android bắt nguồn từ dự án CyanogenMod ngày xưa (tức là /e/OS không khác gì một bản fork của một bản fork! Và trong khi LIneage OS đã được cập nhật lên Android 12, /e/OS vẫn ở Android 10). Và giao diện cũng như chức năng của nó vẫn...rất Android. Công ty cho biết họ có dự định chỉnh sửa hệ thống thông báo và nhiều thay đổi khác liên quan cách hoạt động của Android, nhưng hiện tại, /e/OS đơn giản là một launcher phong cách iPhone đơn giản chạy trên một phiên bản Android khá cũ kỹ.
Murena One là một thiết bị đầy tham vọng, và /e/OS là một hệ điều hành còn tham vọng hơn nữa. Nhưng đến lúc này, chúng chỉ cho chúng ta thấy được Google đã thâm nhập sâu vào đời sống số của mình như thế nào, và công ty đã nắm quyền kiểm soát một hệ điều hành tưởng như mã nguồn mở ra sao. Cách duy nhất để có được Android không có Google là khiến hệ điều hành này trở nên...tệ đi một chút. Và cách duy nhất để giúp nó tốt hơn là phải xây dựng nó lại từ con số không. Một nhiệm vụ cực khó đối với bất kỳ ai, dù cho họ tin tưởng vào sứ mệnh đó đến thế nào đi nữa.
Tham khảo: TheVerge
Google âm thầm ra mắt ứng dụng cho phép người dùng chuyển toàn bộ dữ liệu từ iPhone sang smartphone Android