Dùng phần mềm, tái tạo thành công khuôn mặt thiếu nữ thời kỳ đồ đá cách đây 31.000 năm
Những bộ hài cốt trước đây được cho là của nam giới nhưng với công nghệ tái tạo khuôn mặt ấn tượng đã giúp các nhà khoa học nhìn ra được giới tính chính xác của những người cổ đại.
Vào năm 1881, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một hộp sọ bên trong một hang động ở Mladeč, một ngôi làng thuộc Cộng hòa Séc ngày nay.
Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại của hộp sọ rơi vào khoảng 31000 năm trước và phân loại cá thể là nam giới. Quyết định phân loại này được cho là một sai lầm cũng do sự hạn chế về công nghệ của năm 1881.
Ở hiện tại, tức là hơn 140 năm sau, các nhà nghiên cứu đã sửa chữa những sai lầm đó. Họ khẳng định hộp sọ Mladeč 1 vốn thuộc về một cô gái 17 tuổi sống trong thời kỳ Aurignacian, một phần của thời kỳ đồ đá cũ (khoảng 43.000 đến 26.000 năm trước).
Ngoài hộp sọ, các đồ vật khác được tìm thấy tại khu chôn cất thời kỳ đồ đá trong cuộc khai quật ban đầu bao gồm đồ tạo tác bằng đá, đầu xương và một số chiếc răng. Tuy nhiên, ít người biết về nguồn gốc của người phụ nữ trẻ được chôn cất ở đó.
Nhóm nghiên cứu đã công bố những phát hiện của mình như một phần của cuốn sách trực tuyến mới có tên " Phương pháp tiếp cận khuôn mặt của pháp y tới hộp sọ Mladeč 1 ". Cuốn sách này trình bày chi tiết cách các nhà khoa học phân loại lại giới tính của một trong những người Homo sapiens cổ nhất được tìm thấy ở châu Âu.
Cicero Moraes, một chuyên gia đồ họa người Brazil và là một trong những đồng tác giả của cuốn sách, cho hay: "Khi hộp sọ được phân tích riêng lẻ, các đặc điểm đều chỉ ra đó là một nam giới. Nhưng khi các nghiên cứu sau đó so sánh hộp sọ với những người khác được tìm thấy tại địa điểm, bằng chứng chỉ ra đây chính xác hơn là một phụ nữ."
Sử dụng thông tin thu thập được từ cuộc khai quật khảo cổ học thế kỷ 19, cũng như việc tái tạo khuôn mặt pháp y do các nhà nghiên cứu thực hiện trong những năm 1930 bị hạn chế do thiếu công nghệ, nhóm của Moraes đã sử dụng phương pháp quét CT (chụp cắt lớp vi tính) để tạo ra hình ảnh gần đúng được số hóa của hộp sọ. Do hàm dưới bị thiếu, Moraes đã xem xét dữ liệu hiện có về hàm người ngày nay để điền vào khoảng thiếu của cá thể người cổ này.
Sau khi có một hình ảnh kỹ thuật số hoàn chỉnh của hộp sọ, Moraes đã sử dụng một loạt các dấu hiệu đánh dấu độ dày mô mềm được trải khắp phần sọ. Những điểm đánh dấu này, cho biết ranh giới của da ở một số vùng trên khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu tiếp đó đã sử dụng phép chiếu các đường tương ứng giữa ranh giới của mô mềm và cấu trúc xương để tạo ra hình ảnh gần đúng trên khuôn mặt.
Để giúp bổ sung dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã nhập ảnh chụp CT của các đối tượng sống và làm biến dạng xương và mô mềm từ quá trình chụp CT để khớp với khuôn mặt. Trong trường hợp của hộp sọ Mladeč 1, họ đã làm biến dạng hai bức ảnh chụp CT, một của một người đàn ông và một của một người phụ nữ, và cho ra được kết quả chính xác nhất.
Phương pháp tái tạo khuôn mặt của Moraes đã cho ra kết quả rất đáng ghi nhận nhưng về phía mình, ông vẫn tự nhìn nhận rằng phương pháp này vẫn chưa tái hiện lại được thần thái và biểu hiện cảm xúc của khuôn mặt.
Mặc dù việc các nhà khảo cổ phân loại lại giới tính của hài cốt không phổ biến lắm, nhưng đôi khi việc này vẫn rất cần thiết cho một số dự án nghiên cứu.