Đúng ngày siêu trăng xanh, hoảng hồn chạm trán bạch xà 'thần thánh'

Chia sẻ Facebook
03/09/2023 09:18:12

Đúng ngày có siêu trăng xanh (blue moon), anh Trần vừa bước ra ngoài nhà để vươn vai hít thở thì phát hiện một con bạch xà (rắn trắng) đang nhìn mình chằm chằm.

Khí hậu ở Đài Loan (Trung Quốc) ẩm ướt, ấm áp rất thích hợp cho rắn sinh sản và phát triển. Rắn thường xuất hiện vào mỗi mùa hè, thu. Cách đây không lâu, người ta phát hiện một con 'Rắn xanh Tiffany', không ngờ mới đây cũng có người tìm thấy bạch xà kỳ lạ, gây xôn xao dư luận.

Con vật trông rất đặc biệt nên người đàn ông to gan đã dùng một công cụ để bắt nó và quan sát. Không rõ đó có phải là rắn bạch tạng hay không vì người đàn ông đã vội vã thả con rắn ngay sau khi chụp được vài bức ảnh. Theo anh, trông con rắn có khí chất 'thần thánh'.

Có thể thấy trong ảnh, thân con rắn có màu trắng nhưng nếu phóng to bạn sẽ thấy nó có hoa văn màu nâu vàng và đầu hình tam giác nhọn, bề ngoài của nó giống với rắn Quy Xác Hoa, một trong sáu loài rắn độc nhất Đài Loan.

Nhiều cư dân mạng sau khi xem xong đã phản hồi rằng: 'Đánh giá về hoa văn, hình dạng đầu và vảy thì đây chính xác là rắn Quy Xác Hoa, chắc là bạch tạng rồi', 'Ngày trăng xanh phát hiện bạch xà, thực sự là trùng hợp hay sao', 'Bạch xà vốn được gọi là rắn tiên mà, chàng trai này lại dám bắt lại'.

Theo tìm hiểu, rắn Quy Xác Hoa có tên khoa học là Protobothrops mucrosquamatus là một loài rắn độc đặc hữu của châu Á, còn được gọi là rắn lục hố đốm nâu, rắn lục vảy nhọn.

Rắn có đầu rộng, dẹt, hình tam giác rõ rệt, phủ vảy nhỏ hoặc dạng hạt và tách biệt với cổ; thân hình mập mạp đến thon thả; đuôi có kích thước trung bình.

Lưỡi có màu xám đen đến đen, cuống lưỡi nhạt hơn đầu lưới, răng nanh lớn (lớn nhất trong số các loài rắn độc ở Đài Loan).

Loài rắn này sống về đêm, hay xuất hiện trên sườn núi và đất nông nghiệp, thường ở những ngôi nhà bỏ hoang. Nó săn ếch, thằn lằn, chim, chuột hoặc dơi.

Đây là loài rắn độc rất hung dữ với khả năng tấn công trong bóng tối cực nhanh, vết cắn để lại dấu vết rõ ràng trên nạn nhân. Nọc độc chứa chất độc gây xuất huyết, vết thương thường sưng tấy kèm theo vết bầm tím, rất nguy hiểm nếu không được cứu chữa kịp thời.

Theo các chuyên gia, nếu bạn nhìn thấy rắn ngoài tự nhiên, hãy im lặng rời đi. Đừng dùng tay không đánh hoặc bắt rắn để tránh nguy hiểm. Nếu không may bị rắn cắn, hãy giữ bình tĩnh, ghi nhớ đặc điểm của loài rắn và giữ chặt vết thương. Không dùng miệng hút hoặc cắt vết thương, tìm cách điều trị y tế càng sớm càng tốt.

>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thực hư loài rắn mini độc nhất Việt Nam “cắn là chết”.

Chia sẻ Facebook