Dùng drone bay vào mắt bão
Drone có thể bay xuống tới gần 60m so với mực nước biển ở khu vực mắt bão để cung cấp nhiều thông số quý giá cho các chuyên gia khí tượng.
Khoảnh khắc drone được thả từ máy bay trong lần ra mắt - Nguồn: NOAA
Trong cơn bão Ian quét qua miền Đông Nam nước Mỹ mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Cục Quản lý khí quyển và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã thực hiện một sứ mệnh mang tính cột mốc khi cho máy bay không người lái (drone) bay sâu xuống khu vực mắt bão thu thập thông tin khí tượng.
Máy bay có tên Area-I Altius-600 (UAS), nặng hơn 12kg, là loại đầu tiên thuộc dòng drone này được NOAA giao nhiệm vụ "trinh sát" trực diện cơn bão.
Trước đây, một số chuyên gia khí tượng của NOAA - được ví như những "thợ săn bão" - thường đi trên máy bay chuyên dụng, xâm nhập vào vùng mắt bão nhằm phân tích các yếu tố môi trường để hiểu rõ hơn sự phát triển, cường độ và tốc độ của cơn bão đang đến. Những máy bay chuyên dụng này thường bay ở độ cao từ 2.400 - 3.600m.
Các nhà khoa học cho rằng nếu muốn đưa ra các quyết định chính xác hơn, cần có thêm nhiều dữ liệu trong khu vực mắt bão ở độ cao thấp hơn. Tuy nhiên bay ở vị trí thấp sẽ rất nguy hiểm cho các "thợ săn bão".
Vì thế, UAS được dùng làm "tiên phong" thực thi nhiệm vụ. Trong cơn bão Ian mới đây, UAS đã được thả vào không trung từ chiếc máy bay WP-3D chuyên chở "thợ săn bão".
Trước tiên, UAS đã giảm xuống độ cao 900m ở khu vực mắt bão để đo các chỉ số về nhiệt độ, áp suất và độ ẩm. Phi hành đoàn sau đó đã điều hướng UAS ra vùng rìa mắt bão, xuống đến độ cao khoảng 700m. Tại đây, UAS ghi nhận sức gió có lúc trên 348km/h.
UAS có thiết kế đặc biệt với khả năng hoạt động trong môi trường ở độ cao thấp và trung bình, những khu vực có bão quá nguy hiểm. Nó có tầm bay gần 450km khi di chuyển với tốc độ 160km/h. Thậm chí theo kết quả từ NOAA, UAS đã có lúc xuống thấp đến độ cao chỉ 60m so với mực nước biển.
Phi công Adam Aritbol, trưởng đoàn thử nghiệm của NOAA, cho rằng ở những độ cao thấp như thế sẽ không an toàn cho bất cứ chuyên cơ nào có người lái. Tuy nhiên, nhiệm vụ đã được drone hoàn thành xuất sắc.
Ông Joe Cione, nhà khí tượng học của NOAA, giải thích những thông số được thu thập trong và xung quanh mắt bão sẽ giúp hình dung chính xác hơn về sức mạnh và mức độ nguy hiểm của cơn bão, từ đó giúp lên những kịch bản ứng phó hiệu quả.
Một trong những thông số mà các nhà khoa học muốn dự đoán nhất là tốc độ mạnh lên của bão theo thời gian. Nhiều mô hình dự báo được sử dụng ở một số quốc gia đôi khi không theo kịp diễn biến thực tế, đặc biệt khi bão đột ngột tăng cường độ.
Theo ông Joe Cione, những số liệu do drone thu được ở cao độ thấp trong các cơn bão tương lai sẽ giúp phác họa kịch bản bão sát với thực tế nhất, từ đó giúp chính quyền có thể đưa ra quyết định kịp thời về việc sơ tán người dân.