Đụng độ nghiêm trọng ở Sudan: Ít nhất 56 dân thường thiệt mạng

Chia sẻ Facebook
16/04/2023 16:30:08

Giao tranh ở thủ đô của Sudan đã nổ ra vào đầu giờ Chủ nhật (16/4) sau một ngày giao tranh đẫm máu giữa lực lượng bán quân sự và quân đội chính quy khiến ít nhất 56 người thiệt mạng và gần 600 người bị thương, theo AFP.


Embed from Getty Images


Các vụ nổ và tiếng súng vang lên không ngớt trên những con đường vắng vẻ của Khartoum – thủ đô của Sudan, theo các nhân chứng, sau khi lực lượng bán quân sự cho biết họ đã kiểm soát được dinh tổng thống, sân bay Khartoum và các cơ sở quan trọng khác.


Quân đội phủ nhận các tuyên bố trên, và trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Bảy, lực lượng không quân Sudan kêu gọi mọi người ở trong nhà khi họ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).


Các tòa nhà chung cư đã rung chuyển ở nhiều khu vực của thủ đô Khartoum trong các cuộc đụng độ, theo AFP. Nhiều tiếng nổ được nghe thấy vào sáng sớm Chủ nhật.


“Tổng số thường dân thiệt mạng lên tới 56 người”, Ủy ban Trung ương của các bác sĩ Sudan, một nhóm y tế độc lập ủng hộ dân chủ, cho biết thêm rằng có “hàng chục người chết” trong lực lượng an ninh nhưng họ không được đưa vào danh sách mới vào sáng Chủ nhật.


Ủy ban cho biết họ đã thống kê được khoảng 600 người bị thương, trong đó có một số người thuộc lực lượng an ninh và nhiều người thương vong không thể chuyển đến bệnh viện do khó di chuyển trong các cuộc đụng độ.


Hãng hàng không Saudia của Ả Rập Xê Út trước đó cho biết một trong những máy bay của họ, với hành khách và phi hành đoàn đang chờ khởi hành, đã “bị hư hại do súng”.

Nguyên nhân bạo lực


Bạo lực bùng phát sau nhiều tuần căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa lãnh đạo quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông này, chỉ huy bán quân sự Mohamed Hamdan Daglo, về kế hoạch sáp nhập RSF của Daglo vào quân đội chính quy.


Việc sáp nhập là một yếu tố quan trọng của các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất một thỏa thuận đưa đất nước trở lại chế độ dân sự và chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị do cuộc đảo chính quân sự năm 2021 gây ra.


Được thành lập vào năm 2013, RSF nổi lên từ lực lượng dân quân Janjaweed mà Tổng thống lúc bấy giờ là Omar al-Bashir đã tung ra chống lại các dân tộc thiểu số không phải người Ả Rập ở khu vực phía tây Darfur một thập kỷ trước đó.


Người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch” và thảo luận những biện pháp giảm leo thang với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki.


Ông cũng đã nói chuyện với cả Burhan và Daglo, kêu gọi họ “quay lại đối thoại”.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng kêu gọi các bên quay lại đàm phán.


“Giao tranh giữa SAF (lực lượng vũ trang Sudan) và lực lượng RSF đe dọa an ninh và sự an toàn của thường dân Sudan và làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của Sudan. Cách duy nhất để đi tiếp là quay trở lại đàm phán,” ông Blinken đã tweet vào Chủ nhật.


Liên đoàn Ả Rập dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào Chủ nhật để thảo luận về tình hình ở Sudan.

Đổ lỗi cho nhau


Trên trang Facebook của mình, quân đội tuyên bố ông  Daglo là “tội phạm bị truy nã” và RSF là “dân quân nổi dậy”, nói rằng “sẽ không có cuộc đàm phán nào cho đến khi giải thể” nhóm này.


Quân đội cho biết họ đã thực hiện các cuộc không kích và phá hủy hai căn cứ của RSF ở Khartoum. Họ cho biết sân bay và các căn cứ khác vẫn nằm dưới “sự kiểm soát hoàn toàn” của quân đội, và công bố một bức ảnh khói đen bốc lên từ nơi mà họ nói là trụ sở của RSF.


Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Arabia có trụ sở tại UAE, ông Daglo, người còn được gọi là Hemeti, nói: “Tên tội phạm Burhan [lãnh đạo quân đội] phải đầu hàng.”


Ông phủ nhận rằng RSF đã bắt đầu cuộc chiến, sau khi ông Burhan trong một tuyên bố trước đó nói rằng ông “rất bất ngờ trước việc Lực lượng Hỗ trợ Nhanh tấn công nhà ông lúc 9:00 sáng”.


Thương vong mới nhất xảy ra sau khi hơn 120 thường dân đã thiệt mạng trong vụ đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ thường xuyên kể từ cuộc đảo chính.


RSF đã công bố trên Twitter một đoạn video cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục mà họ tuyên bố là “Những người lính Ai Cập đã đầu hàng quân đội Sudan” ở Meroe, miền bắc Sudan.


Quân đội Ai Cập xác nhận “sự hiện diện của các lực lượng Ai Cập” ở Sudan để tập trận và cho biết họ đang theo sát tình hình.


Ông Daglo nói với Sky News Arabia rằng người Ai Cập sẽ không bị tổn hại và sẽ được trở về nhà.


Khúc mắc trong các cuộc ‘mặc cả’ giữa hai ông Daglo và Burhan đã hai lần trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận với các phe phái dân sự nhằm đặt ra lộ trình khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ vồn bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính năm 2021.


Ông Daglo đã nói rằng cuộc đảo chính là một sai lầm, không mang lại sự thay đổi và hồi sinh tàn dư của chế độ Bashir bị quân đội lật đổ vào năm 2019 sau các cuộc biểu tình rầm rộ.


Còn ông Burhan, người đã thăng tiến vượt bậc dưới sự cai trị kéo dài ba thập kỷ của Bashir, cho rằng cuộc đảo chính là cần thiết để đưa nhiều nhóm hơn vào tiến trình chính trị.


Lê Vy (theo AFP)

Sudan: Tổng thống Bashir bị quân đội lật đổ sau 30 năm cầm quyền

Hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf đã thông báo về hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ giám sát thời kỳ chuyển tiếp trong hai năm cho tới khi tổ chức…

Chia sẻ Facebook