Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 09:45:43

Người lao động, người nghèo vừa khó khăn, chật vật trải qua đại dịch COVID-19 kéo dài, nay phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, kéo theo giá cả những mặt hàng khác ồ ạt tăng theo.

Ổn định giá cả, nhất là lương thực, thực phẩm là mong muốn của người tiêu dùng. Trong ảnh: mua thực phẩm tại siêu thị - Ảnh Q.ĐỊNH


Đây là lúc cần nghĩ đến thêm nhiều giải pháp để giúp người nghèo không bị cuốn trôi bởi lạm phát đang tăng cao.


Thông tin giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ở tất cả các mặt hàng, trong đó giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp, xăng RON95 vượt mốc 30.000 đồng/lít từ 15h ngày 23-5 lần nữa khiến người nghèo, người lao động hoang mang, lo lắng.


Không lo lắng sao được khi chính họ vừa trải qua hơn 2 năm thắt lưng buộc bụng, liệu cơm gắp mắm để chống chọi, vượt qua muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Sau dịch nhiều gia đình cạn kiệt nguồn tài chính. Nhiều người lao động trở lại đô thị làm việc với hai bàn tay trắng lại chồng chất khó khăn. Nhiều gói hỗ trợ của cả trung ương, địa phương đưa ra chưa thể bao quát đủ các đối tượng cần hỗ trợ.

Bởi vậy việc giá xăng và các mặt hàng thiết yếu đang tăng cao hiện nay một lần nữa là gánh nặng đè oằn lên vai người nghèo, người lao động.

Ngay từ đầu năm 2022, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới 350.000 tỉ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.

Gói hỗ trợ này nhắm tới các đối tượng là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Điều đáng nói trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, Chính phủ đã dành ưu tiên lớn đến việc an sinh xã hội, việc làm cho người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch.

Các gói hỗ trợ đã có. Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng, lạm phát cao như hiện nay càng phải đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đó, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm cho người lao động, người nghèo, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giảm thuế để ổn định giá cả sản phẩm...

Song song với đó cần bổ sung những giải pháp cụ thể và hiệu quả để giảm áp lực lạm phát ngay lúc này.

Trong đó cần tính toán đến các chính sách trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát cao đến người nghèo, người lao động.

Mặt khác các cơ quan quản lý cần quyết liệt, sâu sát hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân.

Khi vừa phải đảm bảo phục hồi kinh tế sau dịch hiệu quả vừa kiểm soát, hạn chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội sẽ là bài toán rất khó cho các cơ quan quản lý.

Nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát lạm phát sớm, hiểu quả thì không chỉ chuyện cơm ăn áo mặc của người lao động, người nghèo; việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn... mà những kế hoạch, mục tiêu kinh tế - xã hội cũng sẽ khó thực hiện.

Sức nóng tăng giá đã lan ra ruộng đồng, nhà máy đến mâm cơm của mọi gia đình. Nhưng hậu quả còn lớn hơn nếu chậm có giải pháp giảm nhiệt đà tăng giá, dẫn đến lạm phát cao, phải tăng lãi suất...

Chia sẻ Facebook