Đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh thành 'ban thu tiền'
Đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh thành 'ban thu tiền'
Có không ít ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện) hoạt động không đúng với chức trách, nhiệm vụ của mình dẫn đến tình trạng lạm thu, thậm chí được ví như "ban thu tiền". Vậy ban này cần làm gì để hỗ trợ cho việc giáo dục con em mình trong nhà trường ngày càng tốt hơn? Tuổi Trẻ lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo dục và phụ huynh xung quanh vấn đề này.
* TS Lê Minh Công (phó trưởng khoa công tác xã hội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần có quy định cụ thể
Trước tiên tôi cho rằng ban đại diện là khá cần thiết trong thiết chế nhà trường phổ thông. Việc có các ban đại diện này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kết nối giữa nhà trường mà đại diện là giáo viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) với cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em (hay học sinh). Việc kết nối này cực kỳ cần thiết để có thể giáo dục trẻ em và học sinh phát triển lành mạnh, khỏe mạnh.
Tuy vậy, tôi cho rằng ban đại diện cần phải đi vào hoạt động thực chất để đồng hành giáo dục trẻ, chứ không nên chỉ gắn bó các công việc hành chính với nhà trường hoặc chỉ làm sao "lấy lòng" nhà trường bằng hỗ trợ tài chính và đồng thuận trong việc thu - chi.
Để hoạt động của ban đại diện đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần phải có các hướng dẫn cụ thể cho các anh chị ở ban đại diện này, cần thiết phải có quy định rõ và các thiết chế cụ thể.
Hiện nhiều anh chị tham gia ban đại diện nhưng tôi tin các anh chị cũng không biết làm gì khác ngoài các định hướng của giáo viên chủ nhiệm, mà giáo viên chủ nhiệm thì lại thường theo định hướng của hiệu trưởng nhà trường. Thành ra các hoạt động sẽ chỉ là một sự thống nhất, không có đa dạng và phong phú.
* Thạc sĩ Nguyễn Thị Thái Thuận (giảng viên bộ môn luật, Trường ĐH Tài chính - Marketing):
Nhà trường phải có hướng dẫn
Là phụ huynh, tôi thấy các ban đại diện ở các lớp thực tế họ hoạt động theo cảm nhận và sự hiểu biết của riêng họ. Rất nhiều ban đại diện không nắm rõ những quy định về cách thức hoạt động, quyền và nghĩa vụ, vai trò của ban đại diện trong việc góp phần vào hoạt động giáo dục học sinh của nhà trường.
Vì vậy để ban đại diện hoạt động đúng quy định, hiệu quả, theo tôi, nhà trường cần phải phổ biến cách thức hoạt động của ban đại diện theo quy định hiện hành của ngành giáo dục.
Mặt khác, về mặt pháp lý, chúng ta cũng cần xây dựng hoàn thiện rõ ràng về hoạt động, quyền, nghĩa vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường. Trong đó, cần có quy định rõ ràng về những khoản không được thu - chi dưới danh nghĩa ban đại diện hoặc đối với những khoản thu có giá từ bao nhiêu phải thông qua sự kiểm soát của nhà trường.
* Anh Hồ Hoàng Liêm (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng):
Không nên đề xuất việc đóng tiền
Tôi có con học tiểu học, theo tôi, mỗi lớp đều cần có ban đại diện và ban này nên thu quỹ để chi vào những việc cần thiết không có trong danh mục đóng học (cho nhà trường).
Để việc thu - chi của ban đại diện đạt hiệu quả, minh bạch thì nhà trường đầu năm học phải có văn bản rõ ràng với từng cấp học về các khoản tiền này hoặc hướng dẫn danh mục các khoản nên thu để phục vụ cho việc học tập của các con và hoạt động của ban.
Ban đại diện chỉ nên làm nhiệm vụ trao đổi trước các cuộc họp phụ huynh và lấy ý kiến các khoản thu, thực hiện thu chứ không tham gia vào việc đề xuất đóng tiền cụ thể là bao nhiêu.
Các khoản thu chi đều công khai rõ ràng trên nhóm chat Zalo của toàn bộ phụ huynh có con em học trong lớp ấy. Điều này cũng sẽ giúp ban đại diện đỡ mang tiếng và tránh việc khi phát hiện lạm thu, là nơi gánh trách nhiệm thay nhà trường.
Các thành viên trong ban đại diện cũng nên có cái nhìn tổng thể và lắng nghe chia sẻ từ các phụ huynh để nắm về điều kiện kinh tế của mọi người. Bởi nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng rất ngại ý kiến về các khoản thu khi mà số đông đồng tình. Nên thu các khoản thu ở mức vừa phải, khi quỹ hết thì sẽ thu thêm và thông báo trên nhóm chat Zalo của ban đại diện.
* TS Hồ Văn Hải (giảng viên ĐH Sài Gòn):
Nhà trường cần kiểm soát thu - chi
Ở lớp con tôi, ban đại diện hoạt động khá hiệu quả, không lạm thu, cũng không thu nhiều tiền. Tôi thấy vai trò của ban đại diện là không thể phủ nhận, không thể thiếu trong thế kiềng ba chân của giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội.
Thế nhưng hiện có không ít ban đại diện tại một số lớp, nhiều trường bị phản ứng vì hoạt động không hiệu quả, thậm chí biến tướng, phá nát ý nghĩa của tổ chức vốn rất cần thiết này. Tôi cho rằng cần cải tạo để nó hiệu quả, thiết thực hơn. Các vấn đề mà ban đại diện hiện nay gặp phải nằm ở chỗ lạm thu và chi không hợp lý.
Đây là một hội can thiệp vào môi trường giáo dục nên cần có sự kiểm soát. Và để ban đại diện hoạt động hiệu quả, tôi thấy cần có sự minh bạch trong thu - chi và được kiểm soát vấn đề này thông qua nhà trường.
Thu - chi là của ban đại diện nhưng cần tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường về các khoản thu, khoản chi. Khi tham vấn này diễn ra thì nhà trường cũng có trách nhiệm góp ý, đóng góp cho hoạt động của ban đại diện và sẽ có ý kiến kiên quyết đối với những khoản thu, khoản chi không phù hợp, biến tướng.
Đồng thời đầu năm, trường phải tổ chức khảo sát về các hoạt động ở nhà trường mà khung pháp lý, chi phí hiện không cho phép họ đầu tư cho học sinh để ban đại diện có căn cứ minh bạch, từ đó thu - chi cho đúng.
* Ông L.M.H. (TP Long Xuyên, An Giang):
Nên để đóng góp tự nguyện
Con gái tôi đang học lớp 8 tại Trường Phổ thông thực hành sư phạm (thuộc Trường đại học An Giang) nhưng tình hình thu - chi tiền quỹ của ban đại diện cũng đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Việc đóng tiền quỹ phải được thảo luận dân chủ, công khai để tất cả phụ huynh đi đến thống nhất rồi đóng góp. Thế nhưng ban đại diện của lớp con tôi lại có những hành động khiến nhiều người bức xúc mà không dám nói.
Mở đầu cuộc họp, trưởng ban đại diện nói sẽ đóng góp 200.000 - 300.000 đồng, để làm cái này, cái kia... rồi họ kêu những phụ huynh khác biểu quyết đóng theo mức đó. Như vậy các phụ huynh còn lại làm sao không biểu quyết đồng ý đóng góp theo được. Tôi thấy cuộc họp như vậy chưa thật sự dân chủ, công bằng.
Tôi cho rằng việc đóng góp như thế nào, bao nhiêu là quyền của các phụ huynh. Người giàu đóng nhiều, người nghèo đóng ít cũng chẳng sao. Tôi thấy, hiện nay có tình trạng ban đại diện làm từ lúc lớp 1 đến tận lớp 12 luôn. Từ đó dẫn đến tình trạng ban đại diện dường như là "cánh tay nối dài" cho ban giám hiệu trường.
Tôi đề nghị sắp tới nên thay đổi việc hoạt động, kêu gọi đóng góp của ban đại diện. Thay vì đưa ra mức đóng góp rồi biểu quyết thì nên để cho các phụ huynh bàn bạc và tự nguyện đóng góp theo khả năng của từng gia đình.
BỬU ĐẤU ghi
Không thể phủ nhận vai trò của ban đại diện, cũng không thể cực đoan yêu cầu "dẹp" ban đại diện này. Trên thực tế, nhiều hoạt động dạy học của nhà trường và học sinh khó có thể thực hiện tốt nếu không có sự vào cuộc nhiệt tình của ban đại diện. Nhưng đâu đó cũng có ban đại diện bị phản ánh là "lạm quyền", "bày vẽ", "cánh tay nối dài của hiệu trưởng", gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận.
Cần làm gì để ban đại diện hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện? Mời bạn đọc cùng tham gia chia sẻ, gợi mở giải pháp cho vấn đề này. Bài cộng tác vui lòng email tới: [email protected].
TUỔI TRẺ
Người trong cuộc: 2 câu chuyện "tự tung tự tác"
Cách đây sáu năm, khi con lớn của tôi vào lớp 1, ngay trong buổi họp phụ huynh đầu tiên trong năm học, cô chủ nhiệm đã chỉ định ba phụ huynh làm ban đại diện cha mẹ học sinh lớp khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Không ngỡ ngàng sao được vì khi ấy, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, chưa ai biết ai cả. Sau đó, đến tiết mục làm việc của ban đại diện khiến chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa bởi chị trưởng ban liệt kê hàng loạt hạng mục cần mua sắm và đóng góp các khoản cho lớp. Choáng!
Chuyện đứa con thứ nhất
Phòng học của con tôi năm ấy là dãy phòng nhà trường mới xây thêm, tất cả đều mới tinh nhưng ban đại diện đề nghị lót gỗ cho sàn lớp vì sàn gạch buổi trưa các con nằm sẽ lạnh lưng. Tôi có nói các con ngủ trưa bằng nệm đâu có hề hấn gì. Nhưng khi biểu quyết thì 44/48 phụ huynh đồng tình lót sàn gỗ - thế là thực hiện. Đó là chưa kể việc mua máy lạnh, trang bị rèm cửa, tủ cá nhân cho giáo viên và các học sinh, mua ampli + micro cho cô giáo...
Tất cả khi biểu quyết đều có trên 38 phụ huynh đồng tình nên cuối cùng thì những việc ấy được thống nhất thực hiện. Sau khi tính toán, trưởng ban đại diện thông báo: "Đóng góp dựa trên sự tự nguyện nhưng mức thấp nhất là 1,2 triệu đồng/người". Đấy! Tự nguyện nhưng không đóng không được.
Khi con tôi lên lớp 2, chúng tôi cứ tưởng khi các phụ huynh đã biết nhau rồi thì chúng tôi được tự do bầu ban đại diện - những người mà mình tin tưởng. Nhưng không, cô chủ nhiệm không cần hỏi ý kiến mà xem ban đại diện của năm trước đương nhiên sẽ làm tiếp. Khổ nỗi, nhà trường lại xếp cho học sinh khối lớp 2 ở dãy phòng khác. Thế nên ngoài hai cái máy lạnh và bộ ampli có thể mang theo, chúng tôi lại è cổ ra đóng tiền để mua tủ mới, may rèm cửa mới...
Có điều việc đóng tiền không khó chịu bằng cách nói và hành xử của chị trưởng ban đại diện. Mỗi lần muốn thu tiền, chị ấy lại ca bài ca: "Không đáng bao nhiêu đâu các ba mẹ, chỉ bằng một bữa ăn buffet của gia đình, chúng ta đóng góp cho các con được học tốt", "Không đáng bao nhiêu đâu các ba mẹ, chỉ bằng giá tiền của 5 ly trà sữa mà các con có phòng học đẹp như mơ"... Và cứ thế, vì cái "không đáng bao nhiêu" ấy mà nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn cũng phải è cổ ra đóng theo.
Chuyện con thứ hai
Câu chuyện trên vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Khi đứa con thứ hai của tôi (con út) được vào học ở một ngôi trường tiểu học nổi tiếng của TP.HCM thì trình độ thu tiền và thu cho bằng được của ban đại diện lớp còn cao siêu hơn rất nhiều. Vợ chồng tôi cùng con út đi qua lớp 1 với công trình lớn của ban đại diện là mua bảng tương tác có giá gần 100 triệu đồng cùng nhiều hạng mục mua sắm nhỏ khác.
Cứ tưởng năm đầu tiên chịu khó đầu tư thì những năm sau sẽ nhẹ gánh. Không ngờ khi cháu lên lớp 2, phụ huynh chúng tôi choáng váng khi được thông báo trong cuộc họp phụ huynh đầu năm: trưởng ban đại diện lớp đã ứng trước tiền túi của mình để thay đổi tất cả bàn ghế trong lớp với số tiền hơn 100 triệu đồng, bây giờ các phụ huynh đóng lại để trả cho chị ấy.
Khỏi nói cũng biết chúng tôi đã bức xúc như thế nào khi nghe tin đó. Tại sao ban đại diện lại đặt chúng tôi vào "sự đã rồi", tại sao không hỏi ý kiến chúng tôi? Chị trưởng ban đại diện giải thích là do bàn ghế ở phòng này đã quá cũ nên chị ứng tiền trước làm cho kịp sử dụng năm học mới.
Tôi phát biểu ý kiến rằng: nhà trường phân phòng cho lớp, chúng tôi chưa vào bao giờ làm sao biết được bàn ghế cũ đến cỡ nào, có cần thay hay chỉ cần sửa chữa? Đó là chưa kể năm sau các con lại chuyển sang học ở phòng khác, bảng tương tác, máy lạnh thì chuyển đi được chứ bàn ghế chuyển đi rất nhiêu khê. Lúc này chị trưởng ban ngắt lời tôi bằng giọng điệu của kẻ bề trên: "Nếu chị không đóng được tôi sẽ đóng thay phần đó và con chị vẫn được hưởng như các bạn".
Cuối cùng, vì lòng tự trọng, vì gia cảnh cũng không đến nỗi quá khó khăn và vì con mình cũng ngồi học trên những bộ bàn ghế mới ấy, chúng tôi đã rút tiền ra đóng đầy đủ cho ban đại diện lớp mà trong lòng vẫn còn ấm ức cho đến bây giờ. Năm nay con út tôi đã học lớp 5.
Và tại sao vậy?
Trước khi viết bài này, tôi đã đọc lại điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và thấy Bộ GD-ĐT đã quy định nhiệm vụ của ban này rất cao cả và ý nghĩa.
Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Thế thì ai đã làm cho hoạt động ban đại diện méo mó, biến tướng như hiện nay - khi các vị ấy toàn lo thu tiền, rất nhiều khoản tiền khác nhau chứ không chỉ là tiền quỹ, tiền mua sắm, trang bị cơ sở vật chất cho lớp học...
Ngay cả những công trình lớn của toàn trường như làm sân khấu cố định và trang bị màn hình LED - theo quy định thì nhà trường phải đứng ra kêu gọi vận động, tài trợ nhưng ở trường con tôi thì ban đại diện cũng đứng ra thực hiện và thu cho đủ.
Phụ huynh nào chưa đóng thì họ sẽ gọi cho từng người kèm theo gợi ý: "Hay em ứng trước rồi đóng giùm chị, khi nào có chị gởi lại em". Ôi, thế thì có khó khăn mấy cũng ráng mà đóng, không đóng ngay được thì sau đó cũng ráng lo mà trả lại tiền ứng trước cho ban đại diện.
Tôi kể ra như thế chỉ để đặt một câu hỏi: Vai trò của ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm ở đâu khi ban đại diện cha mẹ học sinh tự tung tự tác như vậy? Nếu không có sự cho phép của nhà trường, làm sao ban đại diện ấy có thể thay toàn bộ bàn ghế trong một phòng học? Nếu không có việc nhờ cậy, gợi ý, "bật đèn xanh" của nhà trường thì ban đại diện đi thu tiền làm gì?
Tôi đề nghị xem lại vai trò của các hiệu trưởng trường phổ thông. Họ không thể không liên quan nếu ban đại diện cha mẹ học sinh đặt ra hàng loạt các khoản thu vô lý. Hãy trả ban đại diện cha mẹ học sinh về đúng vị trí - vai trò như Bộ GD-ĐT quy định.
Nguyễn Thị Như Hoa (TP.HCM)