Đừng coi nhẹ tâm hồn trẻ em

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 16:07:14

Tại sao trẻ em lại không hạnh phúc và bị chấn thương tâm thần khi đi học? Có thể kể ra mấy tác động trực tiếp như sau: Trẻ em bị nhồi...


Tôi vừa đọc thấy bài báo có tựa đề “Báo động về sức khỏe tâm thần của học sinh” trên báo Thanh Niên. Thật ra chuyện này không mới. Nếu ai có hiểu biết về giáo dục các nước công nghiệp sẽ thấy có những giai đoạn vấn đề này trở thành vấn đề xã hội trầm trọng. Tại sao trẻ em lại không hạnh phúc và bị chấn thương tâm thần khi đi học?

Có thể kể ra mấy tác động trực tiếp như sau:


– Trẻ em bị nhồi nhét nạp nhiều thông tin (về lượng) trong khi lại bị “mù” về tính mục đích (học để làm gì) và thiếu trải nghiệm (để có thể cảm nhận được ý nghĩa của thông tin, biến thông tin thành kiến thức gắn với niềm vui, khoái cảm trí tuệ). Thông tin được đưa vào không thông qua trải nghiệm sẽ chỉ thuần túy là thông tin mà không có ý nghĩa với người học và không trở thành kiến thức.

– Gia đình tan vỡ và không hạnh phúc. Tỉ lệ ly thân, ly hôn ngày càng cao (một nghiên cứu ở Nhật cho biết cứ 10 đôi kết hôn thì có 3, 5 đôi ly hôn; ở Việt Nam nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hòa trên một mẫu nhỏ cũng cho kết quả 3/10). Khi tôi nói chuyện ở một tỉnh nọ, một anh là phó phòng công tác học sinh sinh viên của sở cho tôi biết khi làm điều tra anh kinh ngạc khi thấy có một lớp 46 cháu thì gần một nửa có bố mẹ ly hôn, ly thân.

– Thời đại nghe nhìn và văn hóa đại chúng ập tới làm cho trẻ bị bao vây bởi thông tin và các phương tiện giải trí. Khi không có sự dẫn dắt và nền tảng tốt, trẻ bị rơi vào ma trận hỗn loạn và sống trong hoang mang thoặc chạy theo các giá trị phù phiếm.


– Các thông tin, loại hình giải trí “dưới văn hóa” được sản xuất, phát tán nhiều, dễ tiếp cận với trẻ em khiến trẻ em bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. Người lớn thậm chí không nhận ra sự độc hại của các loại hình, phương tiện, thông tin này (trên youtube, mạng internet… đầy rẫy hình ảnh, nội dung không phù hợp với trẻ em).

– Giáo dục thể chất, thể thao ở trường học bị coi nhẹ. Thân không mạnh dẫn đến tâm rối loạn hoặc suy yếu.


– Giáo dục nghệ thuật bị coi nhẹ dẫn đến học sinh bị rơi vào tình trạng vô cảm trước cái đẹp hoặc không biết thế nào là đẹp. Điều dễ nhận thấy là các em đi tung hô, ủng hộ, thần tượng những thứ phản cái đẹp và tin chắc “đó là chân lý”.

– Giáo dục văn học và đọc sách trở thành hình thức và khuôn mẫu. Học sinh thiếu đi một thói quen tốt là đọc sách để giải trí lành mạnh, để trầm tư, để rèn luyện sức mạnh nội tâm, cân bằng cảm xúc. Học sinh không thấy vẻ đẹp, sức hấp dẫn và sức mạnh của văn chương mà coi môn Văn như một sự học hành đầy khổ ải.

– Trẻ em thiếu các không gian để vui chơi, hoạt động, biểu đạt khi không gian nông thôn truyền thống bị phá vỡ (ao, chuôm, đồng cỏ, sông suối, rừng cây, núi đồi) trong khi không gian đô thị không hoàn bị (thiếu công viên, thiếu cây, thiếu câu lạc bộ, thiếu thư viện, thiếu các tổ chức lành mạnh để các em tham gia trong tinh thần tự trị….

Vì thế tôi không tin chỉ có tham vọng của người lớn và sự nhồi nhét điên cuồng mà trẻ em có thể thành thiên tài, bác học, doanh nhân…

Không có văn chương, triết học, thể dục thể thao, hoạt động tự trị, cống hiến cộng đồng, nghệ thuật và suy ngẫm sâu sắc sẽ không thể… thành gì cả, kể cả đơn giản là sống như một người bình thường.

Con người là sinh vật phức tạp vì có trí tuệ và tâm hồn phong phú. Trong cuộc đời có ai lại không trải qua khổ đau, tuyệt vọng? Khi rơi vào tình trạng đó, cái gì níu giữ họ lại với cuộc sống này, cái gì làm họ khao khát hướng thiện, khát sống, sống có ý nghĩa?

Ngay cả bản thân tôi đã từng có ý định tự sát! Nhưng rồi tôi từ bỏ. Những trải nghiệm ấu thơ và những gì đọc được đã giữ tôi lại và sống mạnh mẽ hơn trước đó.


Nguyễn Quốc Vương


Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây


Xem thêm cùng tác giả, dịch giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook