Dùng chung hạ tầng viễn thông trở thành xu hướng, doanh nghiệp trên sàn chứng khoán lãi lớn với TowerCo
Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho TowerCo khi cả tỷ lệ dùng chung lẫn giá thuê đều thấp hơn nhiều so với mức bình quân khu vực và thế giới. Lĩnh vực này thường đem lại tỷ suất sinh lợi cao nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia.
Đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo) là loại hình kinh doanh tương đối phổ biến trên thế giới. Với hình thức này, đơn vị độc lập sẽ đứng ra đầu tư hạ tầng viễn thông (trạm BTS, cáp quang, hệ thống inbuilding, hệ thống năng lượng) và sau đó cho các nhà mạng (MNOs) thuê lại. Khi đó, nhà mạng viễn thông thay vì phải phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng sẽ tập trung hơn vào việc củng cố, nâng cao dịch vụ viễn thông, mang lại lợi ích không chỉ cho khách hàng mà chính nhà mạng viễn thông nhờ cắt giảm chi phí.
Theo TowerExchange, các TowerCo trên thế giới sở hữu tới 84% trạm BTS. Một số TowerCo lớn có thể kể tới như American Tower Co, SBA Communications, Crown Castle International Corp, China Tower, Indus Tower…hay ngay tại khu vực Đông Nam Á là sự hiện diện của OCK TowerCo (Malaysia), STP Tower (Indonesia), NTD (Myanmar)...
Về cơ bản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TowerCo thường có tỷ suất sinh lợi cao và hiệu quả kinh doanh của các TowerCo cũng tỷ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp thuê chung hạ tầng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam vẫn đang tự chủ hạ tầng viễn thông khiến lĩnh vực này chưa thực sự phát triển và chưa có TowerCo nào thực sự chi phối thị trường.
Biên lãi gộp cao ngất ngưởng
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, một vài doanh nghiệp cũng có hoạt động kinh doanh TowerCo tuy nhiên quy mô khá khiêm tốn. Trong đó, cái tên đáng chú ý nhất là Viettel Construction (mã CTR) . Tổng công ty bắt đầu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực TowerCo từ năm 2019 và mảng hoạt động mới này đang tăng trưởng “thần tốc”.
Tính đến 31/7, Viettel Construction sở hữu và cho thuế 3.486 trạm BTS, gần 1,9 triệu m2 DAS, 2.986 km đường truyền dẫn và 16.874 MWp năng lượng mặt trời. Với tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, Viettel Construction đang hướng tới việc sớm trở thành TowerCo lớn nhất Việt Nam.
Thời điểm mới đi vào kinh doanh năm 2019, doanh thu mảng TowerCo của Viettel Construction khá khiêm tốn với 8,6 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 2,4 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt 27%. Tuy nhiên, những con số trên đã liên tục tăng trưởng mạnh qua từng năm. Năm 2020, hoạt động này mang về cho Viettel Construction 65,3 tỷ đồng doanh thu và 46,8 tỷ đồng lãi gộp, đều tăng gấp nhiều lần so với năm trước.
Liên tục đẩy mạnh đầu tư, năm 2021, doanh thu TowerCo của Viettel Construction đạt đến hơn 200 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước, thậm chí còn gấp 2,7 lần tổng doanh thu 2 năm trước cộng lại. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể từ mức 28% lên 47% tương ứng lợi nhuận gộp lên đến 94,3 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
Nửa đầu năm 2022, mảng TowerCo của Viettel Construction tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh bất chấp nền so sánh cao cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực này đạt gần 141 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp bị thu hẹp nhưng vẫn ở mức cao 36% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 50,6 tỷ đồng, tăng 33,5% so với nửa đầu năm ngoái.
Ngoài Viettel Construction, trên sàn chứng khoán còn có CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu (mã GLT) cũng hoạt động trong lĩnh vực TowerCo. GLT đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực TowerCo từ năm 2007, tuy nhiên quy mô đầu tư khá nhỏ với khoảng 238 trạm BTS. Lĩnh vực này thường đóng góp khoảng 30% doanh thu nhưng đến thời điểm hiện tại GLT đã bán toàn bộ số trạm trên.
Theo ban lãnh đạo GLT, các trạm BTS của công ty đã hoạt động trong 15 năm, một số trạm đã hết khấu hao. Việc tiếp tục vận hành các trạm sẽ tốn một khoản chi phí bảo trì lớn, do đó, GLT quyết định bán để đầu tư sang Data Centers. Đến quý 1 niên độ 2022/23 (từ 1/4 – 30/6/2022), GLT đã không còn ghi nhận doanh thu từ TowerCo.
Trước đó, mỗi năm mảng hoạt động này mang về cho GLT khoảng 30 tỷ doanh thu và hơn 17 tỷ đồng lãi gộp. Biên lãi gộp từ kinh doanh TowerCo của GLT khá cao, từng có nhiều năm duy trì trên 50%. Con số này dù đã liên tục bị thu hẹp trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng vẫn ở mức trên 40%.
Bên cạnh Viettel Construction, GLT đang trực tiếp sở hữu trạm BTS, một số doanh nghiệp như CTIN (mã ICT) hay Mobifone Service (mã MFS) cũng có ngành nghề kinh doanh liên quan đến cho thuê hạ tầng viễn thông, nhưng hiện nay cả 2 doanh nghiệp này đều không sở hữu trạm BTS nào.
Cơ hội nào cho TowerCo?
Mức phí cho thuê Tower tại Việt Nam hiện cũng chỉ khoảng 300 USD/tower/tháng, thấp hơn nhiều so với các nước trong ASEAN như Myanmar 900 USD/tower/tháng; Indonesia là 1.150 USD hay Malaysia là 1.250 USD.
Việc dùng chung hạ tầng viễn thông sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao mỹ quan đô thị khi mà tình trạng hiện nay đang là một vị trí có 3 trạm BTS của 3 nhà mạng khác nhau. Và thực tế, các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT, Mobifone đã có những ký kết chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông và xu hướng này được dự báo sẽ gia tăng trong những năm tới.
Với đặc điểm sử dụng băng tần có bước sóng milimet, vùng phủ sóng của các trạm BTS 5G đạt vài trăm mét so với bán kính vùng phủ từ 2-3km của các trạm 2G/3G/4G như trước đây; đòi hỏi cần triển khai, lắp đặt số lượng trạm BTS 5G lớn hơn rất nhiều. Do đó, triển khai dùng chung hạ tầng/vị trí lắp trạm 5G là điều cần thiết với các nhà mạng và đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp TowerCo.
SSI Research cho rằng nhu cầu về đầu tư các trạm BTS mới là cần thiết để mở rộng vùng phủ sóng 3G/4G trong năm 2022 cũng như phát triển mạng 5G vào cuối năm 2022. Điều này có thể thúc đẩy việc mở rộng thị phần di động của Tập đoàn Viettel và sẽ là động lực tăng trưởng cho mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông của Viettel Construction.
VCSC dự báo số lượng trạm viễn thông của Viettel Construction sẽ tăng lên khoảng 4.800/9.400 trạm vào cuối năm 2022/2024 dựa trên giả định (1) Viettel sẽ mở rộng mạng lưới để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam và (2) Viettel Construction sẽ sở hữu ít nhất khoảng 60-70% số trạm mới của Viettel.