Đừng chủ quan với các dấu hiệu của bệnh sỏi thận

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 11:57:11

Nhiều bệnh nhân dù được chẩn đoán mắc sỏi thận nhưng chủ quan không đi khám, tự điều trị... khiến bệnh vào giai đoạn muộn, dẫn tới suy thận, hoặc cắt bỏ thận.


Phát hiện mắc bệnh sỏi thận vào 20 năm trước, đã phẫu thuật 3 lần, gần đây thấy sức khỏe yếu, sức lao động giảm sút, vùng lưng thường xuyên đau âm ỉ, tưởng đau cột sống nên ông Nguyễn Sơn (trú tại huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông) tự mua thuốc uống.

Thấy không đỡ, ông Sơn đi khám tại các bệnh viện đều cho kết quả mắc sỏi san hô tái phát 2 bên thận, thận ứ mủ, suy thận và được các bệnh viện tư vấn khả năng cắt thận bên phải, suy thận không hồi phục. Quá lo lắng, ông Sơn vào khám tại Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại đây, sau khi được tư vấn, ông Sơn quyết định làm phẫu thuật một lần nữa. Sau khi đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu đã tiến hành phẫu thuật tán sỏi qua đường hông lưng cho bệnh nhân. Kết quả giữ được 2 quả thận. Hiện tại, bệnh nhân không còn suy thận và đã khỏe mạnh trở lại.

Vừa được phẫu thuật tán sỏi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Hưởng (trú tại huyện Đắk G’lấp, tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết, gần đây ông có biểu hiện đau, tức, co thắt, ứ nước không đi tiểu được nên gia đình đưa ông vào khám tại bệnh viện huyện Đắk G’lấp. Kết quả siêu âm cho thấy ông bị sỏi niệu quản, ứ nước thận độ I và tắc đường niệu quản khiến ông không đi tiểu được.

Sau khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, được các bác sĩ khám và tiến hành phẫu thuật tán sỏi, đến nay sau 10 ngày tán sỏi, sức khỏe của ông đã tiến triển tốt hơn nhiều.

"Tôi thấy bệnh sỏi thận nghe thì đơn giản nhưng gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời. Không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt, tiểu tiện mà còn gây ra những cơn đau thắt, quặn rồi dẫn đến suy thận rất nguy hiểm", ông Hưởng nói thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, về tiết niệu thì số bệnh nhân sỏi thận chiếm tới 2/3 trong khoa. Theo thống kê của Hội Tiết niệu Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk nằm trong vùng dịch tễ, lượng bệnh nhân mắc sỏi thận cao hơn các tỉnh khác. Qua nghiên cứu, các nhóm bệnh nhân lao động chân tay như thợ hồ, làm rẫy… có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao. Hiện nay, bệnh nhân mắc sỏi thận càng ngày càng tăng.

Nói về nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, bác sĩ Hoàng cho biết, chủ yếu là do người dân lao động uống ít nước. Quá trình lao động, vã mồ hôi, mất nước khiến nước tiểu bị cô đặc, tạo ra những tinh thể nhỏ. Qua thời gian, các tinh thể lắng đọng sẽ to dần tạo thành sỏi.

Ngoài ra các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, gout hoặc dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu cũng có thể tạo sỏi. Khi mắc sỏi thận, nước tiểu bệnh nhân không xuống được bàng quang, gây bế tắc, ứ nước khiến thận bị tổn thương do giãn nở, viêm nhiễm, lâu dần dẫn tới suy thận khiến sức khỏe bệnh nhân giảm sút nhanh chóng.

Khi suy thận, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần gây tổn hại về sức khỏe, tốn kém về tiền của. Khi bị sỏi thận, nguy hiểm nhất là sỏi san hô. Sỏi san hô sẽ gây ra những biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi có vi khuẩn trong nước tiểu đọng lại phía trên chỗ tắc nghẽn.

Khi sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu trong một thời gian dài, nước tiểu sẽ trào ngược trong các ống bên trong thận, gây áp lực quá mức có thể làm cho thận bị ứ nước và cuối cùng làm hỏng thận, suy thận và thận mất chức năng hoàn toàn.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, khi mắc sỏi thận, người dân không nên nghĩ bản thân có sỏi nhỏ không đáng lo ngại bằng sỏi to, mà quan trọng là viên sỏi nằm ở vị trí nào. Có viên sỏi chỉ 1mm nhưng gây bế tắc hoàn toàn, có viên sỏi 100mm nhưng lại không gây bế tắc.

Do đó, nhiều người siêu âm thấy có sỏi nhỏ, chủ quan không điều trị, về tự mua thuốc uống. Thực tế hiện nay trên thị trường không hề có thuốc tan sỏi, người bệnh không nên tự ý mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc uống và để tan sỏi. Vô tình khi uống các loại thuốc này vào tạo thêm gánh nặng cho 2 quả thận, dễ gây ra suy thận.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thực hiện tán sỏi đường tiết niệu cho 4.000 bệnh nhân, phẫu thuật can thiệp sỏi đường tiết niệu cho 1.600 bệnh nhân; 6 tháng đầu năm 2022 tán sỏi cho hơn 3.400 bệnh nhân và phẫu thuật can thiệp tán sỏi cho 501 bệnh nhân.

Để có bảo vệ thận tốt, người dân nên có lối sống lành mạnh, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cao, có chế độ ăn bảo vệ chức năng thận. Cần phải tránh những thức ăn độc hại cho thận như thức ăn có tồn dư chất hóa học, chứa chất bảo quản không được cho phép, tránh ăn quá nhiều đạm. Người dân thực hiện theo khuyến cáo uống nước nhiều, cụ thể với người từ 55 kg trở lên nên uống từ 3-3,5l nước/ngày, kết hợp tập thể dục điều độ để nâng cao sức khỏe của bản thân, phòng chống được bệnh tật.

Chia sẻ Facebook