Đừng chần chừ, bạn trẻ hãy bắt đầu viết cuốn sách của mình
Hãy viết đi ngay khi xuất hiện ý tưởng trong đầu, hãy lên đề cương và bắt tay vào viết, đừng chần chừ gì nữa, hãy viết cuốn sách của bạn và hãy viết mỗi ngày.
Đó là lời nhắn nhủ của diễn giả Dương Thành Truyền - ủy viên ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - đến các bạn trẻ tại Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2022 diễn ra chiều 20-4.
Chia sẻ của diễn giả Dương Thành Truyền với chủ đề "Hãy bắt đầu viết cuốn sách của bạn" đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, những người yêu sách và có mong muốn, khát khao viết sách cũng hiểu thêm giá trị của việc viết sách và đọc sách.
Diễn giả Dương Thành Truyền bắt đầu câu chuyện với khẳng định mỗi người đều có thể viết sách ở bất kỳ thể loại nào. Hãy bắt đầu từ các thể loại ngắn như: tạp văn, du ký, nhật ký, thư từ… hay viết về một nhân vật nào đó gần gũi trong cuộc sống.
Mỗi người cũng có thể viết sách từ những gì mình ấp ủ bên trong như cây bút trẻ Anh Khang có cuốn sách thú vị "Thả thính chân kinh", tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn có cuốn sách viết về nghề quảng cáo "Ý tưởng này là của chúng mình" hay Tống Phước Bảo có "Tình yêu đến từ nơi đâu"… Họ là những người suy nghĩ về một ý tưởng rồi nghiền ngẫm, suy tư và viết ra thành sách.
Từ những chia sẻ của diễn giả đã khiến nhiều bạn trẻ hào hứng và tự tin nói ra những suy nghĩ, ý tưởng viết nên một cuốn sách.
Bạn Đức Nghĩa (22 tuổi) cho biết hiện mình đang viết những bài chia sẻ các quan điểm về các bộ phim đã xem hay những câu chuyện đã trải qua và chứng kiến trong cuộc sống trên một diễn đàn và thu hút rất nhiều người đọc. Sau chia sẻ của diễn giả, Nghĩa ấp ủ tập hợp các câu chuyện thành một bản thảo để gửi đến nhà xuất bản.
Bạn Bảo Quyên (23 tuổi) chia sẻ sau buổi tọa đàm bạn rất có động lực và hào hứng để thực hiện một cuốn sách của riêng mình.
"Tôi là một người ưa thích xê dịch và là một sinh viên ngành báo chí đang thực tập. Sau buổi chia sẻ ý nghĩa này, tôi bắt đầu đặt ra mục tiêu cho mình trong tương lai một ngày khi tôi vững nghề sẽ viết cuốn sách về những ngày đầu vào nghề báo, tôi cũng sẽ đi nhiều nơi và viết những cuốn sách từ thực tế cuộc sống", Quyên bày tỏ.
Bảo Quyên cũng như nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi về cách xây dựng phong cách riêng và băn khoăn việc làm sao để thể hiện cái tôi qua những trang sách mà không khiến độc giả thấy khó chịu.
Diễn giả Dương Thành Truyền cho rằng muốn viết sách, chúng ta phải luyện trí, dưỡng tâm và rèn bút. Muốn viết sách nhất định phải đọc sách. Đọc để có kiến thức, kỹ năng và có năng lực lập luận cũng như năng lực ngôn từ. Việc đọc sách cũng cho chúng ta khả năng thấu cảm cuộc sống và con người.
Theo diễn giả, việc đọc sách không chỉ cho chúng ta cảm hứng và ý tưởng bất ngờ để bắt tay thực hiện và làm thú vị hơn cuốn sách của mình, mà còn giúp rèn luyện tư duy có hệ thống, phản biện và đa chiều.
"Nếu chúng ta có tư duy đa chiều mới chấp nhận được những khác biệt về văn hóa, nhìn thấy tâm thức khác, lý giải khác. Khi có tư duy đa chiều và chấp nhận sự khác biệt thì tư duy mới rộng mở", ông Truyền nói.
Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất 21-4 khai mạc tối 19-4 và kéo dài đến 24-4 đánh dấu lần đầu tiên cả nước có một dịp kỷ niệm dành cho giới làm sách, người đọc sách và những ai đang nỗ lực khuyến đọc.