Đừng biến mình thành kẻ bủn xỉn trong mắt vợ

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 21:14:48

Thiếu tôn trọng nhau về tiền bạc là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ vợ chồng ngày càng xa cách, mục rỗng và dễ gãy đổ bất cứ lúc nào.

Vợ chồng cùng bàn bạc việc chi tiêu trong gia đình - Ảnh minh họa: T.T.D.

Nhóm bạn thân bên ly cà phê cuối tuần, quẩn quanh chuyện công việc, thời thế rồi quay ngoắt sang chuyện gia đình.


Tiếng thở hắt vang lên tập trung sự chú ý của mọi người về người nam trước mặt. Bạn là người chồng trụ cột nắm mọi chi tiêu trong gia đình đang đau đầu tính toán chi phí sinh hoạt cho mức lương khoảng 15 triệu đồng của gia đình.

Với tính quyết đoán và rạch ròi trong chi tiêu, bạn quyết định tất tần tật mọi khoản chi trong nhà. Chi phí chợ búa, ăn uống không vượt quá 3 triệu đồng, các khoản điện nước và "ơn đi nghĩa lại" không vượt quá 2 triệu đồng. Số tiền 10 triệu đồng còn lại bạn chủ động nắm giữ, tính toán, tiết kiệm...

Và bạn than thở người vợ lâu nay im hơi lặng tiếng giờ thỉnh thoảng mặt nặng mày nhẹ mỗi khi bàn đến chuyện tiền nong. Và bạn buồn...

Tôi biết bạn muốn chi tiêu tằn tiện vì dồn sức trả món nợ mua nhà. Tôi thông cảm với xuất thân từ nghèo khó, quen với cuộc sống kham khổ nên ăn uống giản tiện đến mức tối đa của bạn. Tôi đồng tình với với mục tiêu tiết kiệm để dồn tiền cho con bạn học ngoại ngữ trong tương lai.

Tuy nhiên, tiết kiệm chi tiêu khác với ky bo, bủn xỉn, bần tiện. Một người chồng phát tiền đi chợ cho vợ mỗi ngày 100.000 đồng không hơn, có bao giờ bạn đặt mình vào vị trí của người vợ ngửa tay nhận tiền từ chồng rồi vất vả, xoay xở chi tiêu trong bối cảnh vật giá leo thang đến chóng mặt như hiện nay.

Bữa cơm gia đình trong thời "bão giá", con bạn 1 tuổi đã bắt đầu tập tành ăn dặm, lúc con cá khi lát thịt, bạn có nghĩ đến cảm giác bất lực, đuối sức của người đầu gối tay ấp loay hoay giữa chợ?

Bạn đã trách cô ấy "quá chắc lép" khi không chịu chi tiền lương khoảng 4 triệu đồng của mình vào cuộc sống chung rồi kể khổ rằng mình đã vất vả thế nào để mua nhà, một mình gánh nợ nhà đất, một thân quay quắt tính toán chi tiêu tiết kiệm.

Vậy tôi muốn hỏi bạn, bạn đã bỏ công lôi vợ mình vào cuộc dựng xây tổ ấm này chưa hay bao lâu nay vẫn bỏ mặc cô ấy đứng bên lề cuộc hôn nhân?

Một bàn tay vỗ sẽ chẳng thành tiếng... Một mình bạn cố gắng, nỗ lực xây dựng và duy trì tổ ấm cũng sẽ chẳng được bền lâu. Tôi ước giá như ngay từ đầu bạn để vợ mình tham gia nhiều hơn vào quyết định chi tiêu trong gia đình. Tôi ước giá như bạn trải lòng với vợ về món nợ mua nhà, về dự định dồn tiền cho con cái học hành.

Tôi ước giá như chỉ một lần thôi bạn lắng nghe ý kiến của người vợ về khoản chi tiêu 100.000 đồng mỗi ngày đó. Và tôi nghĩ cuộc hôn nhân của bạn sẽ không rơi vào thảm cảnh vợ ôm con bỏ đi sau cái tát rồi đòi ly dị, nếu vợ chồng bạn có tiếng nói chung về kinh tế gia đình.

Người phụ nữ muôn đời vẫn ngán ngẩm lắm cái cảnh ông chồng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Đừng bao giờ biến mình thành kẻ bủn xỉn trong mắt vợ bởi hành động phát tiền đi chợ, đong đếm thịt cá trên đĩa, cân đo lượng nước mắm trong chai!

Hiện tại là một món quà, phải sống tốt và sống khỏe trong hiện tại mới có cơ hội tận hưởng tương lai tươi sáng!

Kết quả khảo sát của tổ chức WIN (Worldwide Independent Network of Market Research) nhân Ngày quốc tế phụ nữ vừa được công bố cho thấy 84% số người Việt Nam tham gia cho rằng đã có sự bình đẳng nam nữ trong công việc.

Chia sẻ Facebook