Đức tự gây khó trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu?

Chia sẻ Facebook
23/09/2022 06:34:56

Một cuộc khủng hoảng ở Đức sẽ là cuộc khủng hoảng đối với toàn châu Âu, làm rung chuyển toàn bộ EU và nhiều nền kinh tế xung quanh.


Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Áo Weimin Chen ngày 19/9 nhận định trên trang web của Viện MISES rằng, cuối tháng 9/2021, dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đã thành hiện thực sau nhiều năm gặp thách thức. Vào thời điểm đó, chỉ còn một số rào cản pháp lý nữa để Đức và Nga ký kết thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đã được chờ đợi từ lâu và gây nhiều tranh cãi. Điều này đáng ra sẽ là một dấu mốc quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa hai nước, nhưng dự án đã bị đóng băng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, đẩy Đức và châu Âu rơi vào một tương lai đầy bất ổn, nguy hiểm.

Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, Đức cùng với phần còn lại của châu Âu, cảm thấy họ bị “dồn vào chân tường” liên quan đến nguồn cung năng lượng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt các tuyến đường và liên kết trong các cơ sở hạ tầng tài chính và năng lượng đã được thiết lập trong khu vực. Tập đoàn Gazprom của Nga gần đây đã cắt giảm dòng khí đốt qua Nord Stream 1 sang Đức xuống chỉ còn 20% công suất.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân của Đức hầu như không hoạt động, với ba cơ sở hiện chỉ cung cấp 13% điện năng của nước này, so với 69% của Pháp. Giờ đây, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng với những khó khăn ngày càng tăng.

Mối lo ngại trên đã được phản ánh trong dư luận theo một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, gần 50% số người Đức cho rằng nước này đang gây hại cho chính mình nhiều hơn là ảnh hưởng đến các mục tiêu chính trị của Nga thông qua các lệnh trừng phạt cứng rắn. Cảm nhận sâu sắc của công chúng Đức về điều này cho thấy thực tế rằng các lệnh trừng phạt của Đức đối với khí đốt và năng lượng tự nhiên nói riêng, cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây nói chung, có những tác động tự gây hại cho mình hơn là cho Nga.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức dựa vào khí đốt để sưởi ấm trong khi khí đốt cũng chiếm một phần ba năng lượng của ngành công nghiệp nước này. Trong những năm gần đây, một nửa lượng khí đốt đó đến từ Nga.

Chi phí năng lượng tăng rõ ràng đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo hơn và những đối tượng thu nhập thấp hơn, do đó chắc chắn họ sẽ trải qua một mùa đông khó khăn. Chính phủ Đức đã bắt đầu khuyến khích người dân cắt giảm và tiết kiệm năng lượng để đề phòng tình trạng thiếu hụt. Đối mặt với thực tế này, một số người Đức thậm chí đang hạn chế sử dụng cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại, chuyển sang tích trữ gỗ, củi để đảm bảo sưởi ấm trong mùa Đông này. Đây là một tác động không nhỏ đối với mức sống của một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo của các ngành công nghiệp lớn có ảnh hưởng trong nền kinh tế Đức thậm chí cảnh báo về những vấn đề nghiêm trọng đối với sản xuất khi lĩnh vực năng lượng đang bị tổn thương. Người đứng đầu công ty kỹ thuật và công nghệ Bosch tuyên bố rằng việc sản xuất có thể bị tạm dừng tại các nhà máy của họ.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Siemens giải thích rằng dòng khí đốt tự nhiên ổn định là điều kiện để một số ngành công nghiệp Đức như sản xuất thủy tinh tồn tại. Người đứng đầu tập đoàn BASF cũng đưa ra nhận xét tương tự về việc sản xuất các sản phẩm hóa học quan trọng liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và công nghệ sinh học. Điều này sẽ gây nguy hiểm đối với việc làm của tất cả những người lao động trong các ngành công nghiệp trên cũng như những ngành nghề liên quan.

Bắt đầu từ tháng 10 này, Đức dự kiến sẽ thực hiện đánh thuế đối với tất cả các khách hàng tiêu thụ khí đốt để bù đắp những khó khăn mà các nhà cung cấp năng lượng trong nước đang gặp phải khi họ chuyển hướng sang các nguồn thay thế. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, mức thuế sẽ lên tới 1.000 euro mỗi năm đối với một hộ gia đình 4 người.

Trong Chính phủ Đức, những lời chỉ trích và nghi ngờ về lập trường cứng rắn của liên minh cầm quyền chống Nga cũng đang gia tăng. Cho đến gần đây, các đảng chính thống - từ Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả của Thủ tướng Olaf Scholz và các đối tác liên minh, Đảng Xanh và Dân chủ Tự do, đến những người bảo thủ đối lập, vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây áp đặt lên Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nhưng lo ngại về tác động trực tiếp của các lệnh trừng phạt, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cảnh báo có thể xảy ra các cuộc biểu tình cực đoan, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock cho biết việc cắt toàn bộ khí đốt của Nga có thể dẫn đến "các cuộc nổi dậy".

Mới đây, một số nhà lãnh đạo phe bảo thủ đã bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược của phương Tây. Michael Kretschmer, nhà lãnh đạo bảo thủ của vùng miền Đông Sachsen, nói với tờ Die Zeit trong một cuộc phỏng vấn: "Toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, nước Đức có thể trở nên phi công nghiệp hóa. Nếu chúng ta nhận ra rằng bây giờ chúng ta không thể từ bỏ khí đốt của Nga, thì đó là điều cay đắng nhưng lại là thực tế, và chúng ta phải hành động cho phù hợp".

Thực tế về tác động tiêu cực mà các chính sách chống Nga gây ra cho Đức đang thúc đẩy các lực lượng chính trị có lập trường ủng hộ việc nới lỏng hạn chế để giảm bớt áp lực đang đe dọa đến an ninh năng lượng của Đức và phần còn lại của châu Âu. Đây cũng có thể là cơ hội để Đức khẳng định vị trí lãnh đạo và ra quyết định của mình về chính trị tại châu Âu và bằng cách này, Đức có thể chọn cách giải thoát cho châu Âu những đau đớn về kinh tế do lập trường diều hâu chủ yếu do Mỹ định hướng đối với EU. Ngoài ra, sự thay đổi trong chính sách về Nga của Đức sẽ thể hiện một sự “xoay trục” khỏi chính sách của Washington.


Theo mises.org

Chia sẻ Facebook