Đức tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, triển vọng kinh tế vẫn mờ mịt

Chia sẻ Facebook
05/06/2023 16:50:47

Thương mại không còn là động lực tăng trưởng bền bỉ mạnh mẽ của nền kinh tế Đức như trước đây, thay vào đó lại là lực cản của quốc gia này.

Thặng dư thương mại của Đức đã bất ngờ tăng trong tháng 4 khi xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa Đức tăng vào đầu quý II năm nay.

Thặng dư thương mại đã điều chỉnh của quốc gia Tây Âu – cán cân xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa – đã tăng lên 18,4 tỷ Euro trong tháng 4, so với mức 14,9 tỷ Euro được điều chỉnh vào tháng 3, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho thấy hôm 5/6.

Trong tháng 4, xuất khẩu của Đức tăng 1,2% lên thành 130,4 tỷ Euro so với tháng trước, phản ánh nhu cầu toàn cầu được cải thiện đối với hàng hóa sản xuất của Đức, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu châu Âu tìm cách thoát khỏi suy thoái kinh tế mà họ đã phải gánh chịu trong giai đoạn quý IV/ 2022 và quý I/2023.

Tuy nhiên, nhập khẩu của Đức đã giảm 1,7% xuống còn 112,0 tỷ Euro – một dấu hiệu cho thấy các vấn đề kinh tế trong nước có thể đang đè nặng.

Xuất khẩu của nền kinh tế đầu tàu châu Âu được thúc đẩy bởi các chuyến hàng đến Trung Quốc sau khi “gã khổng lồ” châu Á mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng động lực này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Theo Destatis, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 10,1%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,7% và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 4,5%.

Các container vận chuyển của Tổng công ty Vận tải Container Đường sắt Trung Quốc (China Railway Container Transport Corp) tại cảng Duisport ở Duisburg, Đức. Ảnh: Bloomberg


“Mức tăng gần như không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của tháng trước”, ông Alexander Krueger, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hauck Aufhaeuser Lampe, cho biết.

“Đây là một khởi đầu mạnh mẽ cho quý II năm nay đối với xuất khẩu ròng, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng nó sẽ đủ để thúc đẩy tăng trưởng GDP”, ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng Khu vực đồng Euro (Eurozone) tại Pantheon Macroeconomics, cho biết. “Xuất khẩu ròng tăng, giúp tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 và quý I/2023, hiện đang giảm dần”.

Bất chấp sự gia tăng xuất khẩu của tháng 4, triển vọng vẫn còn mờ mịt đối với nền kinh tế số 1 châu Âu.

“Việc thúc đẩy xuất khẩu tạm thời sang Trung Quốc sẽ giảm dần theo thời gian”, Giám đốc Vĩ mô Toàn cầu của ING, Carsten Brzeski, nói với Reuters, bổ sung thêm rằng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng do những thay đổi địa chính trị.

Xung đột chuỗi cung ứng, nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh hơn và Trung Quốc ngày càng có khả năng sản xuất hàng hóa mà nước này trước đây mua từ Đức, đều là những yếu tố đè nặng lên xuất khẩu của Đức.

Trong quý I năm nay, tỉ trọng xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 6% trong tổng xuất khẩu, từ mức gần 8% trước đại dịch. Tuy nhiên, đồng thời, sự phụ thuộc của Đức vào nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức cao do quá trình chuyển đổi năng lượng hiện không thể thực hiện được nếu không có nguyên liệu thô hoặc tấm pin mặt trời của Trung Quốc.

Trong thời gian rất gần, sự suy yếu liên tục của các đơn đặt hàng xuất khẩu, sự suy giảm dự kiến của nền kinh tế Mỹ (chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức), lạm phát cao và sự không chắc chắn cao sẽ để lại dấu ấn rõ ràng đối với xuất khẩu của Đức.


Sau sự sụt giảm hồi tháng 3, xuất khẩu của Đức hiện nay chỉ mang lại sự cứu trợ rất hạn chế cho nền kinh tế. Trên thực tế, đó là một sự phục hồi rất yếu ớt và một bằng chứng khác cho thấy thương mại – động cơ tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế Đức – đang bị chững lại .


Minh Đức (Theo Reuters, ING)

Chia sẻ Facebook