Đức quyết 'dứt áo' bất luận EU có đạt lệnh trừng phạt hay không - Tổng thống Putin tự tin EU không thể sớm 'cai nghiện' dầu Nga

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 11:25:03

Sau hơn 10 ngày đàm phán, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt được đồng thuận đối với đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga. Không muốn chờ đợi, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã quyết định sẽ 'từ bỏ' dầu Nga dù kết quả của lệnh trừng phạt có ra sao.

Đức quyết "từ bỏ" dầu thô Nga bất luận EU có đạt được lệnh trừng phạt hay không

Hãng tin Bloomberg ngày 16/5 dẫn nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Đức cho biết Berlin đang nỗ lực hoàn tất các đồng nhập khẩu dầu thô với các nhà cung ứng thay thế Nga. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz tin tưởng rằng Đức có thể xử lý những khó khăn về hậu cần trong khoảng từ 6-7 tháng tới. Đó là những khó khăn có thể nảy sinh trong quá trình thay đổi nhà cung cấp. Berlin hiện chưa thông báo quốc gia nào sẽ thay thế Nga cung ứng dầu thô cho Đức.

Theo Bộ Kinh tế Đức, tiêu thụ dầu thô của Đức từ nguồn cung ứng Nga đã giảm trong thời gian gần đây. Từ chỗ cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Đức tính tại thời điểm trước khi nổ ra xung đột Ukraine, Nga hiện chỉ đáp ứng khoảng 12% tổng mức tiêu thụ dầu thô của Đức.

Hầu hết các nước EU phụ thuộc vào Nga với hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu.

Những thách thức còn lại bao gồm phải đảm bảo đủ nguồn cung thay thế cho một nhà máy lọc dầu chủ chốt ở miền Đông nước Đức vốn phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga được vận chuyển qua tuyến đường ống Druzhba và được vận hành bởi tập đoàn dầu mỏ Rosneft thuộc sở hữu nhà nước của Nga.

Nhà máy lọc dầu PCK Schwedt ở Schwedt – vốn đảm nhận vai trò cung cấp nhiên liệu cho sân bay quốc tế Berlin, hầu hết các trạm nhiên liệu ở thủ đô nước Đức và bang Brandenburg phụ cận, sẽ phải tiếp cận được với nguồn dầu thô thay thế được vận chuyển qua cảng Rostock (Đức) ở Biển Baltic.

Giới chức Đức đã tính đến khả năng sử dụng tuyến đường ống cũ, dẫn dầu từ cảng Rostock tới Schwedt. Nhưng tuyến đường ống này tương đối nhỏ, khả năng chỉ có thể đáp ứng khoảng 60% công suất vận hành của nhà máy lọc dầu. Các đầu mối hữu quan hiện tính đến giải pháp nâng áp xuất đường ống này và hiện đại hóa hạ tầng, để có thể tăng lượng dầu vận chuyển từ Rostock tới Schwedt.

PCK Schwedt do Rosneft nắm cổ phần chi phối. Nhưng do tập đoàn dầu khí của Nga không có ý định thay thế nhà cung cấp dầu thô đối với cơ sở này nên chính phủ Đức từ hồi tháng 4 vừa qua đã công bố kế hoạch kiểm soát PCK Schwedt. Quốc hội Đức đang soạn thảo một đạo luật cho phép Đức giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu PCK Schwedt từ tay Rosneft, với khả năng chuyển giao sớm nhất là vào ngày 1/6 tới.

Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ là cấm vận dầu mỏ chống Nga và an ninh năng lượng.

Cấm vận dầu mỏ chống Nga và an ninh năng lượng được coi là nghị trình ưu tiên cao của Thủ tướng Olaf Scholz trong tuần này. Ông sẽ có chuyến đi tới Hà Lan, hội đàm với Thủ tướng Mark Rutte vào ngày 19/5, kế đó là buổi tiếp đón Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ở Berlin ngày 20/5. Tập đoàn Shell (Liên danh Anh-Hà Lan) đã dừng kế hoạch bán cổ phần tại nhà máy lọc dầu PCK Schwedt cho Rosneft theo thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái và đang thương thảo với chính phủ Đức về số cổ phần này.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Ngoại trưởng EU diễn ra ngày 16/5 ở Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, EU đã không đạt được sự đồng thuận do Hungary cùng một số quốc gia Đông Âu khác như Slovakia, Bulgaria - những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô nào cũng cần phải được thảo luận ở cấp thượng đỉnh EU. Kỳ họp thượng đỉnh EU sớm nhất dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 30-31/5.

Trước đó, để thúc đẩy đồng thuận nội khối, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra điều kiện nới lỏng đối với Hungary và Slovakia, cho phép hai nước này đến năm 2024 mới phải hoàn tất kế hoạch thay thế nhà nhập khẩu dầu thô. Bulgaria sau đó cũng đe dọa sẽ phủ quyết kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô Nga nếu không nhận được quyền miễn trừ tương tự.

Theo đề xuất của EC, các nước thành viên còn lại trong EU sẽ có khoảng thời gian chuyển giao 6 tháng để giảm và tiến đến ngừng nhập khẩu dầu thô Nga, thay bằng nguồn cung mới. Với các sản phẩm xăng, dầu diesel và sản phẩm lọc dầu khác, thời gian chuyển giao này là 8 tháng.

Tổng thống Putin tự tin EU không thể 'từ bỏ' dầu của Nga bây giờ

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ 3 (17/5) cho biết không dễ để một số quốc gia châu Âu nhanh chóng từ bỏ dầu của Nga, như EU đang đề xuất.

Ông Putin nói: "Rõ ràng một số quốc gia EU, trong đó cân bằng năng lượng có tỷ trọng hydrocacbon của Nga đặc biệt cao, sẽ không thể cấm năng lượng Nga trong một thời gian dài."

Phát biểu tại một cuộc họp trên truyền hình với các nhà quản lý dầu mỏ trong nước và các quan chức chính phủ, ông Putin cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây và lệnh cấm vận có thể xảy ra đối với dầu mỏ Nga đã làm cho giá dầu trên toàn cầu tăng lên.

Bằng cách từ bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga, châu Âu có nguy cơ phải trả giá năng lượng đắt nhất trên thế giới trong một thời gian dài, trong khi khả năng cạnh tranh của ngành sẽ bị suy giảm. Ông cũng nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra lạm phát trên khắp châu Âu.

Nga đang phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng dầu chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô sụp đổ vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều này làm phức tạp thêm hoạt động kinh doanh dầu của Nga trên toàn cầu.

Tổng thống Putin nhận định: "Có những thay đổi mang tính kiến ​​tạo trên thị trường dầu mỏ, và việc kinh doanh như trước đây, theo mô hình cũ, có vẻ khó xảy ra. Điều quan trọng là phải thiết lập một chuỗi hoàn chỉnh từ nhà sản xuất đến điểm cuối là người mua.


Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Chia sẻ Facebook