Đức, Pháp đi “tiền trạm” chuẩn bị cho cuộc đua “xanh” với Mỹ

Chia sẻ Facebook
05/02/2023 00:37:57

Một trọng tâm trong chuyến công du tới Washington của các đại diện Pháp và Đức lần này là tìm kiếm cho châu Âu một “sự đối xử tương xứng” so với Mexico và Canada.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire sẽ tới Washington vào tuần tới để bày tỏ quan ngại về trợ cấp khí hậu của Mỹ và thúc giục đối xử thuận lợi với các doanh nghiệp châu Âu.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh động lực mới hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng xanh mà Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden đưa ra, họ cũng lo ngại rằng khoản trợ cấp trị giá 369 tỷ USD chủ yếu nhắm vào các nhà sản xuất có trụ sở tại Bắc Mỹ có thể thu hút các công ty rời khỏi châu Âu.


Một số người ở châu Âu cho rằng, các khoản trợ cấp vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng họ không muốn xảy ra thương chiến với Mỹ, và thừa nhận rằng hy vọng tốt nhất của châu Âu nằm ở việc tác động đến cách Washington sẽ áp dụng kế hoạch này trong thực tế.

Bà Tanja Goenner, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp BDI của Đức, cho biết: “Từ quan điểm của ngành công nghiệp Đức, điều quan trọng là các hướng dẫn thực hiện của chính quyền Mỹ hiện nay cần tránh phân biệt đối xử càng nhiều càng tốt”.

Ông Habeck và ông Le Maire sẽ gặp các đối tác Mỹ vào ngày 7/2, tức 2 ngày trước khi một Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels, nơi các nhà lãnh đạo sẽ nghiên cứu kế hoạch tăng cường viện trợ nhà nước và các động thái khác để cho phép châu Âu cạnh tranh với tư cách là một trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong một cuộc họp báo ở Berlin, ngày 31/3/2022. Ảnh: Politico.eu

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington hồi tháng 11/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một “cuộc thảo luận dài” với Tổng thống Mỹ Joe Biden về những lo ngại của Pháp và châu Âu về IRA, và những điều chỉnh mà Nhà Trắng có thể thực hiện để có thể giúp các nước châu Âu tham gia dễ dàng hơn và/hoặc chủ động trong vấn đề này.

“Pháp không đến đây để yêu cầu một số loại ngoại lệ cho nền kinh tế của mình. Chúng tôi đến để chia sẻ hậu quả của quy định này tác động đến chúng tôi như thế nào”, ông Macron đã nói khi đó.


Đối xử tương xứng

“Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU vào ngày 9-10/2 tới gửi tín hiệu rằng châu Âu sẽ phản ứng với IRA của Mỹ bằng một IRA của châu Âu, với các công cụ, phạm vi và biện pháp tương xứng”, một phát ngôn viên của hãng xe Đức Volkswagen cho biết.

Cuộc thảo luận xung quanh IRA ở Đức tập trung vào những bất lợi tiềm ẩn đối với ngành công nghiệp ô tô địa phương – vốn là xương sống cho thành công xuất khẩu của Đức trong nhiều thập kỷ nhưng hiện đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có từ việc chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Theo IRA, các khoản tín dụng thuế xe điện mới được áp dụng cho những xe có khâu lắp ráp cuối cùng cũng như các đầu vào chính được sản xuất ở Bắc Mỹ, bao gồm Canada và Mexico – những quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Trưởng bộ phận đối ngoại của hãng xe hơi Đức Mercedes-Benz cho biết: “Nếu các Bộ trưởng Habeck và Le Maire thành công làm được điều này, thì đó sẽ là một thành công lớn”.

Công nhân kết nối dây cáp trong ô tô điện Volkswagen ID.3 trên dây chuyền lắp ráp tại một cơ sở sản xuất ở Dresden, Đức. Ảnh: Getty Images

Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào tháng 12 rằng, xe điện do người tiêu dùng thuê có thể đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế xe sạch thương mại lên tới 7.500 USD, một quyết định sẽ khiến những chiếc xe được lắp ráp bên ngoài Bắc Mỹ đủ điều kiện. Một mục tiêu của chuyến thăm Washington của các Bộ trưởng Đức và Pháp là để xác nhận điều khoản trên.

Ông Hildegard Mueller, chủ tịch hiệp hội ô tô VDA của Đức, cho biết mặc dù khả năng trợ cấp cho các phương tiện cho thuê ở châu Âu được hoan nghênh, nhưng nó sẽ chỉ áp dụng cho một phần xe xuất khẩu của châu Âu.

Các chuyên gia ước tính rằng khoảng một nửa số xe điện của Đức đã đăng ký tại Mỹ là được cho thuê.


Vấn đề thực sự

Trong khi quy mô trợ cấp của Mỹ thu hút nhiều sự chú ý nhất, thì EU cũng có những nguồn lực tiềm năng lớn của riêng mình. Một nguồn tin chính phủ Đức cho biết, một phân tích ban đầu cho thấy nguồn lực của EU thậm chí có thể sánh ngang với những ưu đãi có sẵn trong IRA.


Thủ tướng Olaf Scholz cho biết vào tháng trước, gần 180 tỷ Euro sẽ có sẵn cho giai đoạn 2023-2026 trong quỹ chuyển đổi và khí hậu của Đức, một ngân sách bổ sung để thúc đẩy đầu tư xanh, trong khi 369 tỷ USD của IRA ở Mỹ sẽ có hiệu lực trong 10 năm.

“Số lượng trợ cấp ở châu Âu tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn ở Mỹ, đó không phải là vấn đề”, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu cho biết.

“Vấn đề thực sự là động cơ khiến các công ty chuyển sản xuất sang Mỹ”, vị quan chức này nói, đề cập đến các yêu cầu về hàm lượng địa phương.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô châu Âu khẳng định có nguy cơ doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang Mỹ khi các điều khoản của Mỹ kết hợp với các yếu tố sản xuất khác khiến châu Âu trông “kém hấp dẫn hơn”.

“Do IRA và giá điện và năng lượng rất cao, đặc biệt là ở Đức, châu Âu ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn”, vị phát ngôn viên của Volkswagen cho biết.

Để đảm bảo châu Âu có thể cạnh tranh với Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 1/2 đã đề xuất các biện pháp, bao gồm nới lỏng các quy tắc viện trợ của nhà nước trong EU và tái sử dụng các quỹ hiện có của EU.


Ông Mueller của VDA cho biết, điều quan trọng là “Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh của EU” có thể được “thực hiện nhanh chóng và không quan liêu” .


Minh Đức (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ Facebook