Đức lo ngại tình hình hậu bảo trì đường ống Nord Stream 1

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 15:22:38

Ngày 11-7, đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức bắt đầu đợt bảo trì kéo dài 10 ngày, song Chính phủ Đức lo lắng việc tạm ngừng hoạt động sẽ kéo dài lâu hơn.

Một trạm tiếp nhận khí đốt của đường ống Nord Stream 1 ở Đức - Ảnh: AP


Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỉ m 3 khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức qua Biển Baltic. Việc bảo trì dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 21-7, theo Hãng tin Reuters.

Tháng 6 vừa qua, Nga đã cắt giảm tới 40% tổng công suất của đường ống với lý do Canada chưa trả lại tuabin nén khí sau khi được Công ty Siemens Energy (Đức) gửi tới nước này để bảo dưỡng.

Cuối tuần trước, Canada cho biết họ sẽ gửi lại một tuabin đã sửa chữa.

Theo Reuters, Đức lo sợ Matxcơva có thể kéo dài lịch bảo trì để hạn chế hơn nữa nguồn cung khí đốt trong khu vực, làm xáo trộn kế hoạch lấp đầy các kho dự trữ cho mùa đông và khiến cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực leo thang.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck từng nói Berlin nên chuẩn bị cho khả năng Matxcơva sẽ dừng dòng chảy khí đốt ngoài thời gian bảo trì dự kiến.

"Dựa vào những động thái chúng tôi chứng kiến gần đây, sẽ không quá bất ngờ nếu một số vấn đề kỹ thuật nhỏ được phát hiện và rồi họ có thể nói 'hiện chúng tôi không thể vận hành đường ống'", ông Habeck phát biểu tại một sự kiện cuối tháng 6 vừa qua.

Hiện Đức đã chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp gồm ba giai đoạn, tức là một bước trước khi chính phủ định mức tiêu thụ nhiên liệu.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, bác bỏ các cáo buộc về việc Nga sử dụng dầu khí để gây sức ép chính trị. Ông Peskov nói việc đóng đường ống để bảo trì là sự kiện thường xuyên, theo lịch trình và không ai "vẽ chuyện" ra để sửa chữa.

Những năm trước, thời gian bảo trì hằng năm của Nord Stream 1 kéo dài 10 - 12 ngày và kết thúc đúng thời hạn.

Theo Reuters, có những đường ống lớn khác từ Nga đến châu Âu nhưng dòng chảy đang suy giảm, đặc biệt là sau khi Ukraine ngừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt hồi tháng 5 do xảy ra chiến tranh.

Nga cũng đã cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.

Ngày 23-6, Đức kích hoạt "giai đoạn báo động", giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn, để đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga trong thời gian gần đây.

Chia sẻ Facebook