Đức lần đầu thâm hụt thương mại trong ba thập kỷ
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã chứng kiến kim ngạch nhập khẩu năng lượng tăng vọt trong khi xuất khẩu đi lùi.
Cụ thể, nhập siêu tháng 5 vừa qua của Đức đạt giá trị 1 tỷ Euro. Thay đổi bất ngờ này làm tăng thêm các khó khăn khác, bao gồm tác động của giá năng lượng cao đối với chi tiêu hộ gia đình và mối đe dọa của việc phải phân bổ khí đốt nếu Nga cắt giảm nguồn cung.
Triển vọng xuất khẩu sắp tới của Đức dường như đang suy yếu khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái ở Mỹ và châu Âu tăng lên.
Cuộc khảo sát của các nhà sản xuất Đức cho biết các đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 6 đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Người đứng đầu bộ phận ngoại thương thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Volker Treier nhận định: "Suy thoái xuất khẩu đã bắt đầu. Các nhà xuất khẩu ngày càng ít có khả năng chuyển gia tăng chi phí do chuỗi cung ứng gây ra cho khách hàng quốc tế."
Hiệp hội liên bang về Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ (BGA) cũng nhận định triển vọng rất ảm đạm và hiện tại xuất khẩu của Đức chủ yếu được hỗ trợ bởi sự gia tăng thương mại với Mỹ. BGA cho rằng tình hình có thể nguy cấp hơn nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt.
Hiện Đức đang phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Giá dầu và khí đốt đã tăng chóng mặt kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Giá năng lượng tăng cao đang là thách thức lớn với nhiều lĩnh vực tại Đức, vốn là các ngành tiêu thụ khối lượng lớn khí đốt nhập khẩu.