Đức: giảm thuế, xăng xuống giá ngay
Giá xăng ở Đức đã giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến, sau khi chính quyền cắt giảm thuế. Hiệp hội các cây xăng độc lập liên bang nói rằng thực tế cho thấy giảm thuế đã làm lợi cho người dân.
Tranh luận về giảm thuế
Hồi tháng 3, giữa lúc giá cả leo thang và lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ thời nước Đức thống nhất (là 7,3%), chính quyền đã ngưng thu thuế nhiên liệu trong vòng ba tháng để hỗ trợ dân chúng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-6 tới 31-8, dự kiến mọi chuyện sẽ trở lại bình thường vào tháng 9.
Đã có một số tranh luận xảy ra với quyết định này, như lo ngại các công ty xăng dầu vẫn không giảm giá và khoản giảm thuế thay vì tới được người dân lại lọt vào tay những đại gia năng lượng.
Tuy nhiên, phân tích nhanh của Hãng tin Đức DPA cho thấy xăng E10 đã giảm còn khoảng 1,90 euro/lít (47.000 đồng) ở 350/400 cây xăng được khảo sát sáng 1-6. Trong khi đó vào ngày 31-5, chỉ một cây xăng trong số mẫu khảo sát bán xăng với giá dưới 2 euro, còn phần lớn niêm yết giá 2,10 - 2,30 euro/lít.
Được biết, các khoản miễn thuế khi quy đổi tương đương với 35 xu euro/lít, và mức giảm giá hiện giờ là tương ứng, nhưng DPA thận trọng cho biết còn quá sớm để kết luận tất cả hay phần lớn lợi ích từ việc giảm thuế sẽ đến được người tiêu dùng.
Dầu diesel cũng giảm giá, dù thấp hơn (khoảng 17 xu euro/lít). Do khoảng 50% cấu phần giá nhiên liệu ở Đức là các loại thuế phí, việc giảm thuế là cách tạo ra hiệu ứng nhanh và hiệu quả nhất.
Hỗ trợ dân đối phó lạm phát
Là một nhà nước phúc lợi hào phóng, trong cơn bão lạm phát, chính quyền liên minh của Thủ tướng Scholz - bao gồm Đảng Xã hội dân chủ Đức, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do - đã nhất trí chi từ ngân sách cho mỗi người dân 300 euro, hỗ trợ mỗi trẻ em 100 euro và công bố một loại vé tháng cho phương tiện công cộng ở khắp nước Đức với giá chỉ 9 euro.
Để tài trợ cho những khoản cắt giảm thuế và hỗ trợ dân chúng, ngân sách Đức dự kiến sẽ phải chi ra 16,5 tỉ euro.
Tuy nhiên, ông Peter Adrian, chủ tịch tổ chức vận động hành lang cho giới doanh nghiệp Đức DIHK, nói trên Đài DW rằng với nhiều công ty, khoản thuế nhiên liệu được giảm trong ba tháng chỉ là "giọt nước trong biển cả" và sẽ không tạo ra nhiều khác biệt với các công ty lúc này đang "ngắc ngoải".
"Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi không có cuộc chiến ở Ukraine, về mặt kinh tế, đóng cửa vẫn tốt hơn", ông Adrian nói và nhắc lại lời kêu gọi của DIHK về việc giảm thuế mạnh hơn nữa cũng như bảo vệ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Cũng có lập luận cho rằng chính quyền không nên trợ giá nhiên liệu, bởi như thế sẽ khuyến khích dân chúng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn và có thể gửi đi thông điệp không mong đợi khi Đức đang chuẩn bị cho một tương lai nhiên liệu khá bất trắc do những đe dọa cắt nguồn cung từ Nga và mùa đông đang đến gần.
"Việc hạ giá xăng là phản tác dụng trong tình huống này, vì dân chúng sẽ lái xe nhiều hơn", kinh tế gia Veronika Grimm nói với Đài ARD.
Đức cũng là nước rất coi trọng các chính sách môi trường. Một tính toán của Cục Môi trường liên bang cho thấy nếu toàn bộ người làm công nhật ở Đức chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng thì mỗi năm nước này sẽ phát thải ít hơn 21,3 triệu tấn khí carbon.
Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho rằng giá xăng vốn dĩ đã rất cao ngay cả khi không giảm thuế, và dân chúng lúc này đang khó khăn không chỉ vì giá xăng mà còn bởi giá cả nhiều mặt hàng khác cũng đang nhảy múa.
OPEC+ tăng sản lượng vượt mong đợi
Tối 2-6 (giờ Việt Nam), nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) thông báo sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới.
Con số này vượt xa kỳ vọng và dự đoán của giới quan sát trước đó là mức 432.000 thùng/ngày trong ba tháng 7, 8 và 9-2022. Theo Hãng tin Reuters, lượng dầu khai thác mỗi ngày của OPEC+ trong tháng 7 và tháng 8 tương đương khoảng 0,7% nhu cầu toàn cầu.
Động thái ngày 2-6 báo hiệu sự sẵn sàng của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác thuộc OPEC nhằm khỏa lấp khoảng trống năng lượng do Nga để lại.
Theo Reuters, quyết định tăng sản lượng của OPEC+ sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu thế giới và kiềm chế lạm phát tại nhiều nước. Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh động thái của nhóm OPEC+ ngay trong đêm 2-6. ( BẢO DUY)
Giá dầu thế giới tăng mạnh đầu tuần này do những "động cơ" như Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh để bàn về việc cấm vận dầu mỏ Nga và nhu cầu năng lượng tăng khi hoạt động đi lại trên thế giới hồi phục mạnh mẽ thời hậu COVID-19.