Đức đóng góp 43% lượng vốn FDI vào Trung Quốc trong 4 năm

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:42:59

Đức, Hà Lan, Anh và Pháp chiếm 87% lượng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong 4 năm qua, tăng 18% so với thập kỷ trước.


Các khoản đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng chủ yếu đến từ các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn của Đức, theo báo cáo của Rhodium Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, Mỹ.

Báo cáo công bố hôm 15/9 cho thấy, giai đoạn 2018-2021, gần 80% tổng vốn FDI châu Âu đầu tư vào thị trường Trung Quốc đến từ 10 công ty hàng đầu châu lục này, và hơn một nửa trong số đó thuộc về các doanh nghiệp Đức.

Theo báo cáo này, 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Đức là Volkswagen, BMW và Daimler, cùng với tập đoàn hóa chất lớn nhất nước Đức BASF chiếm một phần ba tổng vốn đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021.

Nhà máy BMW ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Theo các tác giả của báo cáo, đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc chủ yếu đến từ một số công ty, một số quốc gia, và một số lĩnh vực nhất định.

Đức, nơi cựu Thủ tướng Angela Merkel tích cực khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường Trung Quốc, đóng góp tới 43% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường này trong 4 năm qua, cao hơn 9% so với thập kỷ trước.

70% tổng số vốn FDI đầu tư vào Trung Quốc được phẩn bổ chủ yếu vào 5 lĩnh vực - ô tô, chế biến thực phẩm, dược phẩm - công nghệ sinh học, hóa chất và sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Những lĩnh vực này thu hút 57% FDI trong giai đoạn từ 2008 – 2012 và 65% trong giai đoạn từ 2013 - 2017.


“Được nhiều hơn mất”

Thị trường Trung Quốc là cứu tinh cho nhiều công ty nước ngoài trong những năm gần đây, khi chính phủ quốc gia này nhanh chóng kiểm soát đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế vào năm 2020. Động thái này đã giúp nền kinh tế số hai thế giới tăng trưởng 8,1% vào năm 2021, bù đắp cho sự suy thoái và bế tắc ở các thị trường khác.

Tuy nhiên, tình hình đảo ngược vào năm 2022, khi đại dịch bùng phát trở lại, buộc Trung Quốc phải phong tỏa thành phố Thượng Hải và nhiều nơi khác, đóng cửa nhiều nhà máy và do đó giảm đáng kể lợi nhuận cho đến thời điểm này.

Đại dịch đã làm chậm tốc độ đầu tư nói chung, vì các chính sách kiểm soát Covid và các điều kiện thị trường không thuận lợi khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài hạn chế các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Covid bùng phát trở lại khiến Trung Quốc phải phong tỏa thành phố Thượng Hải. Ảnh: NBC News

Theo công ty Rhodium, hầu như không có công ty châu Âu mới nào gia nhập thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong khi đó, các ông lớn đang hiện diện ở thị trường này vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư với niềm tin rằng họ được nhiều hơn mất.

Mới tuần trước, tập đoàn hóa chất lớn nhất nước Đức BASF tổ chức lễ ra mắt một khu phức hợp lớn trị giá 10 tỷ Euro (10 tỷ USD) mới tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

BMW AG đã mở rộng nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Thẩm Dương vào đầu năm nay. Audi đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại quốc gia này.

Airbus SE cũng đang củng cố vị thế của mình tại Trung Quốc, khi dây chuyền lắp ráp cuối cùng tại thị trường này giúp hãng nhận được lượng đơn đặt hàng trị giá hơn 37 tỷ USD vào tháng 7.


Tương lai khó đoán

Đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc hiện đang được giữ vững. Dù những tín hiệu không mấy khả quan trong thời gian gần đây, các công ty châu Âu vẫn không “ly khai” khỏi Trung Quốc như một số người lo ngại. Trên thực tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng thậm chí có thể khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng chuỗi sản xuất ở địa phương, các nhà phân tích nhận định.

“Nếu bạn định nghĩa “ly khai” là việc các công ty nước ngoài sẽ hoàn toàn rời bỏ Trung Quốc, hay là giảm đáng kể dấu ấn của họ tại thị trường này, và đưa các khoản đầu tư của họ ra khỏi đây, thì điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra. Chúng ta đang thấy điều ngược lại ở hầu hết các ngành”, ông Jacob Gunter, nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) tại Berlin cho biết.

Liệu điều này có thay đổi trong tương lai hay không vẫn chưa rõ, nhưng hiện tại, một số công ty châu Âu có hoạt động tại Trung Quốc đang chọn phương án hiệu quả hơn, đó là tách các hoạt động ở Trung Quốc ra khỏi các hoạt động toàn cầu. Họ đang theo đuổi cái gọi là chiến lược nội địa hóa liên quan đến việc xây dựng các chuỗi cung ứng và quan hệ đối tác địa phương để tránh vướng vào những rủi ro địa chính trị.

Một trong những ví dụ mới nhất của xu hướng đó là quyết định của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen AG thành lập một ban quản lý khu vực tại Trung Quốc để trao quyền tự chủ và hợp lý hóa việc ra quyết định tại thị trường này. Công ty này đã tuyển dụng hơn 90.000 nhân viên và vận hành hơn 40 nhà máy sản xuất xe và linh kiện cùng với các đối tác ở quốc gia này.

Một nhân viên Volkswagen làm việc trên dây chuyền lắp ráp ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh China Daily


Dữ liệu chính thức cho thấy châu Âu vẫn khá nhiệt tình trong việc đầu tư vào Trung Quốc những năm gần đây. Ví dụ, Đức đã hướng hơn 5% tài sản đầu tư trực tiếp nước ngoài của mình vào Trung Quốc vào năm 2020, theo số liệu của ngân hàng Bundesbank, mặc dù lãi suất dường như đang giảm xuống.

Đầu tư từ Liên minh châu Âu vào Trung Quốc tăng 15% trong nửa đầu năm 2022, theo dữ liệu từ Rhodium Group.


“Với tình hình khó khăn ở châu Âu, tôi nghi ngờ khả năng các công ty châu lục này rời khỏi Trung Quốc. Các vấn đề địa chính trị có thể sẽ khiến họ gặp khó khăn khi mở rộng quy mô ở thị trường này, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều do tình hình toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Pháp Natixis, cho biết .


Nguyễn Tuyết (Theo US News, Bloomberg, SCMP)

Chia sẻ Facebook