Đức đóng cửa các nhà máy hạt nhân cuối cùng
Đức sẽ đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào ngày 15/4 khi Berlin tuyên bố phát điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Đức sẽ cho ngừng hoạt động 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào ngày 15/4, kết thúc chương trình hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ từng dấy lên một trong những phong trào phản đối mạnh mẽ nhất ở châu Âu
Embed from Getty Images
(Nhà máy điện hạt nhân Isar của Đức/Ảnh: Getty Images)
Tháp làm mát của các lò phản ứng Isar II, Emsland và Neckarwestheim II sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào nửa đêm ngày 15/4 khi Berlin ban hành kế hoạch phát điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Qua nhiều năm chần chừ, Đức đã cam kết dứt khoát từ bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima vào năm 2011 của Nhật Bản khiến bức xạ phát tán vào không khí và cả thế giới phải khiếp sợ.
Tuy nhiên tiến trình này đã bị trì hoãn từ mùa hè năm ngoái đến năm nay sau khi Đức ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vì cuộc chiến ở Ukarine. Lúc đó giá xăng dầu tăng vọt và đã có những lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng trên khắp thế giới. Hiện tại, Đức đã tự tin về nguồn cung cấp khí đốt và khả năng mở rộng năng lượng tái tạo của mình.
Lĩnh vực hạt nhân thương mại của Đức bắt đầu bằng việc đưa lò phản ứng Kahl vào vận hành từ năm 1961. Điều này được các chính trị gia nhiệt nhiệt thúc đẩy, tuy nhiên lại vấp phải sự hoài nghi của các doanh nghiệp.
Trong những năm đầu, có 7 nhà máy thương mại đã tham gia vào mạng lưới này. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 đã khiến công chúng dần chấp nhận khái niệm hạt nhân.
Tuy nhiên theo ông Nicolas Wendler, phát ngôn viên thuộc tập đoàn công nghiệp hạt nhân KernD của Đức, việc mở rộng lĩnh vực hạt nhân khi ấy đã bị hạn chế để tránh gây hại cho ngành than.
Đến những năm 1990, hơn 1/3 sản lượng điện của nước Đức (sau khi được tái thống nhất) đến từ 17 lò phản ứng hạt nhân.
Trong thập kỷ tiếp theo, một chính phủ liên minh bao gồm Đảng Xanh – nhóm chính trị phát triển từ phong trào chống hạt nhân những năm 1970 – đã đề xuất một đạo luật hướng đến việc loại bỏ tất cả các lò phản ứng vào khoảng năm 2021.
Các chính phủ do phe bảo thủ lãnh đạo của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã suy đi nghĩ lại về vấn đề này cho đến khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.
Sự ngu ngốc về kinh tế
Ông Arnold Vaatz, cựu Ủy viên lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của cựu Thủ tướng Đức Merkel, cho hay quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân cũng nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử cấp bang ở Baden Wuerttemberg, nơi mà vấn đề đang nằm trong tay của Đảng Xanh.
Ông Vaatz, 1 trong 5 nhà lập pháp bảo thủ duy nhất phản đối quyết định đóng cửa trả lời tờ Reuters rằng: “Tôi gọi đó là sự ngu ngốc về mặt kinh tế lớn nhất của đảng này kể từ năm 1949 và tôi kiên định với điều đó”.
Tuy nhiên theo Bộ Kinh tế Đức, 3 nhà máy cuối cùng chỉ đóng góp khoảng 5% sản lượng điện của nước này trong 3 tháng đầu năm 2023.
Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang cho thấy năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% sản lượng năng lượng của Đức vào năm ngoái.
Thế nhưng, một cuộc khảo sát của viện Forsa vào đầu tuần này cho thấy khoảng 67% người Đức ủng hộ việc kéo dài ‘tuổi thọ’ của các lò phản ứng và việc kết nối các nhà máy cũ trở lại mạng lưới điện. Chỉ có 28% người Đức ủng hộ việc loại bỏ dần các nhà máy hạt nhân.
Nhà phân tích Peter Matuschek của viện Forsa nhận định với tờ Reuters: “Tôi nghĩ rằng điều này phần lớn chắc chắn là do nỗi sợ tình hình nguồn cung [điện] sẽ không đảm bảo”.
Chính phủ Đức khẳng định nguồn cung vẫn được đảm bảo sau khi loại bỏ các nhà máy hạt nhân và Đức vẫn sẽ xuất khẩu điện, với lý do là dự trữ khí đốt vẫn ở mức cao, các trạm khí lỏng mới ở bờ biển phía bắc và năng lượng tái tạo đang được mở rộng.
Tuy nhiên, những người ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng Đức cuối cùng sẽ phải quay trở lại với hạt nhân nếu nước này muốn loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và đạt được mục tiêu trung hòa khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực vào năm 2045, vì năng lượng gió và mặt trời sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Rainer Klute, người đứng đầu hiệp hội phi lợi nhuận ủng hộ hạt nhân Nuklearia phân tích: “Loại bỏ dần năng lượng hạt nhân cũng tương đương với việc Đức đang cam kết sử dụng than đá và khí đốt, vì không phải lúc nào cũng có gió thổi hay mặt trời chiếu sáng”.
Với sự kết thúc của kỷ nguyên năng lượng hạt nhân, Đức phải tìm một kho lưu trữ lâu dài cho khoảng 1.900 thùng chất thải hạt nhân có tính phóng xạ cao vào năm 2031.
Ông Wolfram Koenig, người đứng đầu Văn phòng Liên bang về An toàn Quản lý Chất thải Hạt nhân cho biết: “Trước mắt chúng ta vẫn còn ít nhất 60 năm nữa, chúng ta sẽ cần đến việc tháo dỡ và lưu trữ những tàn dư một cách lâu dài và an toàn”.
Chính phủ Đức cũng thừa nhận rằng các rủi ro về an toàn vẫn còn tồn tại, vì hai nước láng giềng Pháp và Thụy Sĩ vẫn đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân.
“Phóng xạ không dừng lại tại biên giới” , bà Inge Paulini, người đứng đầu Văn phòng Bảo vệ Phóng xạ của Đức, lưu ý rằng 7 nhà máy ở các nước láng giềng cách Đức chưa đầy 100 km.
Vy An (Theo Reuters)
Khủng hoảng năng lượng ở Đức và khả năng dùng năng lượng hydro Công ty Kelheim Fibers, có trụ sở tại Bavaria (Đức), đang xem xét chuyển sang sử dụng năng lượng hydro.