Đức điều tra sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc
Truyền thông Đức đưa tin, cảnh sát cùng quân đội Đức đã khởi động điều tra các sự cố rò rỉ khí đốt tại hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới đáy biển Baltic.
Theo một bức thư được Bộ Quốc phòng Đức gửi tới Uỷ ban Quốc phòng thuộc Quốc hội nước này, người đứng đầu Cơ quan cảnh sát liên bang Đức Dieter Romann trước đó đã đề nghị quân đội Đức hỗ trợ lập một báo cáo thực địa về tình trạng hư hại của các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 trên biển Baltic. Đề nghị này đã được thông qua sau khi Bộ Quốc phòng Đức kiểm tra năng lực của Hải quân cũng như xem xét về mặt pháp lý.
Theo đó, cảnh sát Đức đang điều tra sự cố rò rỉ với sự giúp đỡ của thợ lặn và các công nghệ đặc biệt. Hai tàu của Hải quân Đức, bao gồm tàu quét mìn "Dillingen" và tàu đa năng "Mittelgrund", đã được triển khai hướng tới biển Baltic để thực hiện sứ mệnh điều tra. Tàu "BP 81-Potsdam" của cảnh sát Đức cũng tham gia vào sứ mệnh này.
Các tàu này chở thợ lặn thuộc cảnh sát Đức thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh khu vực đường ống bị phá hoại gần đảo Bornholm của Đan Mạch cũng như ở vùng biển của Thụy Điển.
Ngày 26/9, sự sụt giảm nhanh chóng áp suất và tình trạng rò rỉ đã được ghi nhận ở các đường ống dẫn khí thuộc mạng lưới Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic, trong đó có 4 vụ rò rỉ trên các đường ống. Theo giới chức Thụy Điển, Đức và Đan Mạch, các sự cố này có thể là hành động phá hoại, trong đó có 4 vụ rò rỉ trên các đường ống. Nhà chức trách đã ghi nhận ít nhất hai vụ nổ dưới nước. Công ty Nord Stream AG cho biết không thể ước tính thời gian sửa chữa.
Hiện Cơ quan công tố Nga cũng đang điều tra các sự cố này theo hướng là hành động khủng bố quốc tế. Truyền thông Nga dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ, rất cần phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế "kỹ lưỡng, khách quan". Ông Vershinin nhấn mạnh: "Đương nhiên phải có sự tham gia của Nga, và Đức cũng cần đóng vai trò trong cuộc điều tra đó".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có cuộc thảo luận "hữu ích" về vấn đề này hôm 30/9, trong đó tất cả các ủy viên đều cho rằng vụ rò rỉ đường ống là do hành vi phá hoại.