Đức đang phải trả giá cho chính sách năng lượng dựa vào nhập khẩu

Chia sẻ Facebook
31/08/2022 09:59:00

Các kho dự trữ khí đốt của nước Đức đã đầy tới 82%, nhưng vẫn chưa đảm bảo một mùa đông đủ khí đốt cho sưởi ấm và công nghiệp.


Nước Đức đã hưởng lợi trong nhiều thập kỷ từ nguồn năng lượng dồi dào và giá rẻ từ Nga, đó cũng là lý do nước này chậm chuyển đổi cơ cấu năng lượng, tới mức không còn chủ động được về năng lượng khi nước Nga giảm nguồn cung khí đốt. Đột nhiên, nước Đức nhận ra đã không hề chuẩn bị cho tình huống khan hiếm khí đốt. Nước Đức đang phải trả giá cho chính sách năng lượng dựa vào nhập khẩu.

Trong hàng chục năm qua, khí đốt nhập khẩu từ Na Uy, Hà Lan và nhiều nhất là từ Nga, đã góp phần phát triển thịnh vượng nền công nghiệp lớn nhất châu Âu, nhưng cũng là lý do làm cho nước Đức trở nên lệ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu.

Ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Năng lượng quốc gia Đức cho biết: "Những kho dự trữ tiếp nhận khí đốt rồi từ đó chuyển đến nơi có nhu cầu, nếu không có dòng khí đốt từ Hà Lan, Bỉ, Na Uy, sắp tới đây là từ Pháp và từ kho cảng khí hóa lỏng, thì tất cả sẽ đình trệ. Quan điểm của chúng tôi vẫn là mong đợi tiếp nhận được nhiều khí đốt hơn từ nước Nga".

Mấy tuần nay, mối bận tâm của Thủ tướng Đức là khí đốt. Ông Olaf Scholz sang Na Uy, rồi tới Canada, những nước có mỏ khí, nhưng chưa có lựa chọn nào hơn được nguồn khí đốt từ Nga. Na Uy có sản lượng khí đốt khá hạn chế, khó có thể bán nhiều hơn nữa cho Đức. Khí đốt từ Hà Lan chất lượng không tốt lắm, còn khí hóa lỏng chở bằng tàu biển từ Canada thì không dễ, do Canada không có kho cảng khí hóa lỏng bên bờ Đại Tây Dương.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Điều quan trọng là phải tìm cách không lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu từ Nga. Chúng ta đang thấy điều này là cấp thiết đến mức nào, do giá năng lượng tăng quá cao, từ giá khí đốt cho tới giá điện. Đó là một gánh nặng đối với người dân và đối với doanh nghiệp chúng tôi. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi làm mọi cách có thể để vượt qua những thách thức này".

Công nghiệp Đức tiêu thụ hơn 1/3 tổng số khí đốt nhập khẩu, gần 1/3 chạy theo đường ống tới các hộ gia đình, đun nấu, sưởi ấm…, khoảng 15% để sản xuất điện. Ưu tiên của Đức lúc này là cố gắng duy trì lượng khí đốt cho hộ gia đình và sản xuất công nghiệp, cùng lúc giảm dần sản xuất điện từ khí đốt.

Trong cơ cấu năng lượng của nước Đức lúc này, khí đốt đóng góp khoảng 12%. Nước Đức đang vật lộn giảm tỷ trọng khí đốt tiêu thụ, tăng lượng khí đốt dự trữ, cố gắng tránh kịch bản tồi tệ phải phân phối khí đốt theo hạn định trong mùa đông năm nay và năm sau.

Nhóm G7 thảo luận về chính sách năng lượng mới Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu thế giới, gọi tắt là nhóm G7, đã kết thúc hôm 5/6 tại Brussels.

Chia sẻ Facebook