Đức chịu sức ép về đẩy nhanh quá trình “cai nghiện” khí đốt Nga

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 01:46:12

Mỗi ngày, châu Âu chi 852 triệu USD cho dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga, nghĩa là gấp hơn 42 lần so với số tiền châu lục này chi cho than đá Nga.


Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thúc ép Thủ tướng Đức Olaf Scholz đẩy nhanh quá trình loại bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga khi họ gặp mặt trực tiếp ở London hôm 8/4 để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.


Ông Johnson và người đồng cấp Đức cũng sẽ thảo luận về khả năng thông qua một gói viện trợ thiết bị quân sự chung mới cho các lực lượng Ukraine chống lại quân Nga.

London đã tiến xa hơn Berlin khi tuyên bố chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga. Nguyên nhân là do Anh ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn Đức.

Lãnh đạo hai nước sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung ở Phố Downing.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đứng trước sức ép về đẩy nhanh quá trình loại bỏ khí đốt Nga. Ảnh: DW

Một nguồn tin chính phủ cấp cao nói với tờ The Daily Telegraph: “Việc giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga và tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt tối đa càng nhiều càng tốt sẽ được khuyến khích trong cuộc họp”.


Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã cảnh báo người tiêu dùng châu Âu rằng, họ có thể phải từ bỏ sử dụng điều hòa nhiệt độ để giúp đảm bảo hòa bình ở Ukraine.

Ông Draghi đặt câu hỏi: “Nếu giá khí đốt có thể đổi lấy hòa bình, chúng ta chọn cái gì? Hòa bình? Hay để máy lạnh chạy vào mùa hè?”

“Chừng nào phương Tây còn tiếp tục mua khí đốt và dầu của Nga, thì nghĩa là họ đang hỗ trợ Ukraine bằng một tay trong khi hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga bằng một tay khác”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đưa ra bình luận sau khi ông phát biểu trước các quan chức NATO và EU tại Brussels hôm 7/4.

EU hôm 7/4 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than của Nga. Đây là động thái đầu tiên của khối này nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Ủy ban châu Âu đang soạn thảo các biện pháp có thể có trong tương lai đối với dầu mỏ của Nga. Còn về khí đốt, ông Draghi nói với các phóng viên hôm 7/4: “Lệnh cấm vận khí đốt vẫn chưa được đưa ra và tôi không biết liệu đến bao giờ mới có lệnh cấm như vậy”.

Các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên, nhưng nhiều nước, bao gồm cả Ý và Đức đang phụ thuộc nhiều vào Nga về nguồn cung khí đốt.

Đức và Hungary đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào khí đốt Nga.

Quang cảnh buổi tối tại một nhà máy lọc dầu ở Gelsenkirchen, Đức, ngày 5/4/2022. Ảnh: USNews


Minh Đức (Theo Independent.ie, USNews )

Chia sẻ Facebook