Đức cấp pháo phòng không đã loại biên từ năm 2010 cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Đức hôm 26-4 thông báo nước này đã đồng ý giao hệ thống pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard vốn đã được loại biên từ năm 2010 ở nước này cho Ukraine.
Theo Đài CNN, cam kết chuyển giao hệ thống pháo phòng không Flakpanzer Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân của Mỹ đặt ở Ramstein, Đức hôm 26-4.
"Chúng tôi đã quyết định ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ hệ thống phòng không cho Ukraine... Đó chính xác là những gì Ukraine cần để bảo vệ không phận từ mặt đất", bà Lambrecht nói trong cuộc họp tại căn cứ.
Quyết định này của Berlin có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Ban đầu, Đức phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev, chỉ đồng ý viện trợ nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho vùng khủng hoảng đã kéo dài hàng thập kỷ của Đức.
Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine, Chính phủ Đức khi đó mới đồng ý đưa một danh sách cung cấp vũ khí hạn chế.
Tuy nhiên, trước áp lực từ các đồng minh, Berlin buộc phải điều chỉnh các quy tắc. Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó ông Scholz vẫn gọi các vũ khí này là "phòng thủ".
Đồng thời, Đức cũng tuyên bố sẽ "bơm" thêm tiền cho các lực lượng vũ trang của mình, bao gồm mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.
Flakpanzer Gepard là một loại pháo phòng không tự hành của Đức có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. Được phát triển vào những năm 1960 và đưa vào thực địa vào những năm 1970, hệ thống này đã được nâng cấp nhiều lần. Tại Đức, Gepard bị loại biên dần vào cuối năm 2010.
Tổ hợp Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 1, được trang bị 2 pháo tự động Oerlikon GDF 35mm, với 680 viên đạn cho cả hai khẩu.
Tổ hợp này cũng được trang bị 2 radar: một radar tìm kiếm chung ở phía sau tháp pháo và một radar theo dõi, và máy đo xa laser ở phía trước giữa các khẩu súng.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, Nga đang suy yếu cả về mặt kinh tế lẫn quân sự sau 2 tháng đưa quân vào Ukraine. Ông tuyên bố mục tiêu của Washington là muốn Matxcơva yếu đến mức không còn đe dọa được nước khác.