Đức cấp lại visa nhiều năm cho hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới
Đại sứ quán Đức thông báo công nhận hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới được cấp từ ngày 1/1, đồng thời nối lại việc cấp visa lưu trú nhiều năm loại C.
Cụ thể, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội ngày 17/2 thông báo rằng nước này công nhận hộ chiếu Việt Nam được cấp từ ngày 1/1 và có ghi nơi sinh trên trang nhân thân. Với quyết định này, visa nhiều năm loại C sẽ được cấp lại cho người mang hộ chiếu mẫu mới.
Ngoài ra, hộ chiếu Việt Nam cấp từ 1/7/2022 đến 31/12/2022 không ghi nơi sinh trên trang nhân thân vẫn sẽ được Đức công nhận nếu còn giá trị sử dụng và thông tin về nơi sinh được bổ sung tại phần bị chú.
Hồi tháng 8/2022, Đức thông báo dừng cấp thị thực lưu trú nhiều năm loại C trong thời gian chờ công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam. Visa loại C cho phép nhập cảnh vào một trong số 26 quốc gia thuộc khối Schengen và tự do di chuyển trong lãnh thổ của 25 quốc gia còn lại mà không phải tiến hành thêm bất cứ thủ tục nhập cảnh nào khác.
Trong khi đó, visa loại D (hay visa quốc gia) được đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Đức tại Việt Nam cấp, cho phép tự do đi lại trong 25 quốc gia nội khối Schengen với thời gian lưu trú tối đa 90 ngày.
Đại sứ quán Đức ở Việt Nam ngày 27/7/2022 thông báo những người mang hộ chiếu phổ thông Việt Nam màu xanh tím than theo mẫu mới có số serial bắt đầu bằng chữ “P” sẽ không thể nộp hồ sơ xin visa loại C hoặc D để nhập cảnh Đức, do thiếu thông tin về nơi sinh.
Gần một tháng sau, đại sứ quán Đức thông báo tạm thời công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới với điều kiện thông tin nơi sinh được điền bổ sung, và quyết định cấp lại bình thường visa loại D cho mục đích lưu trú dài hạn, cũng như visa công tác hoặc thăm thân loại C với thời hạn lưu trú dưới 90 ngày.
Ngày 31/12/2022, Bộ Công an ban hành Thông tư số 68/2022/TT-BCA, triển khai cấp hộ chiếu bổ sung thông tin “nơi sinh” , nhằm tạo điều kiện cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh, tránh nhầm lẫn trong giao dịch, cấp giấy tờ cho công dân Việt Nam. Hộ chiếu mới cũng tách riêng hai mục là “họ” và “chữ đệm và tên” trên hai dòng riêng biệt.
Phan Anh
Video: Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?