Đức cảnh báo EU về trừng phạt thứ cấp đối với Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
12/05/2023 09:09:56

Liên minh châu Âu (EU) đang tranh luận ngày càng tăng về cách khối này nên đối xử với Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của mình.


Các nhà ngoại giao của khối 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang trong những cuộc thảo luận đầu tiên về gói trừng phạt thứ 11 kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhằm tập trung vào những đối tượng giúp Moscow tránh né các hạn chế thương mại hiện có.

Đức dẫn đầu các lời kêu gọi thận trọng trong việc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc trong vòng trừng phạt mới nhất này của EU đối với Nga, Reuters dẫn 5 nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 11/5.

Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – đã đề xuất đưa một số công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” và đưa ra một cơ chế mới mở đường cho khả năng hạn chế xuất khẩu của EU trong tương lai sang các quốc gia coi thường các lệnh trừng phạt.

Vế sau của đề xuất về khả năng hạn chế xuất khẩu đã gây lo ngại cho Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Một số quốc gia EU khác cũng cho rằng cần phải đạt được sự cân bằng giữa việc thực thi các biện pháp trừng phạt và tránh làm đảo lộn quan hệ ngoại giao và thương mại quốc tế, các nguồn tin của Reuters cho biết.

Itatly ủng hộ đề xuất của Đức nhắm vào các công ty nước ngoài, chứ không phải các quốc gia, trong bất kỳ hành vi né lệnh trừng phạt nào, theo các nguồn tin quen thuộc với cuộc thảo luận hôm 10/5, được tổ chức sau những cánh cửa đóng kín.

Phái đoàn ngoại giao của Đức tại EU từ chối bình luận, Reuters cho biết.

Chính phủ Đức ngày 10/5/2023 xác nhận sẽ cho phép gã khổng lồ vận tải nhà nước Trung Quốc Cosco mua 24,9% cổ phần trong cảng container Tollerort ở Hamburg. Ảnh: CGTN

Các nguồn tin của Chính phủ Đức tại Berlin cho biết họ chỉ trích việc đưa ra các biện pháp trừng phạt “ngoài lãnh thổ” của EU nhằm chống lại việc né tránh trừng phạt.

Các công ty từ các nước Trung Á như Kazakhstan, Armenia và Uzbekistan, cũng như các nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Iran cũng bị đưa vào “danh sách đen”, theo đề xuất của EC, các nguồn tin của Reuters cho biết.

Các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao châu Âu đã có chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất vào tháng trước, tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc, với tư cách là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, để chấm dứt xung đột ở Ukraine.


Nhưng họ không coi Trung Quốc là trung gian hòa giải chính và các quan chức châu Âu nói rằng kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất là một danh sách các lập trường đã biết trước đây và không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong một bài phát biểu gần đây trước Nghị viện châu Âu (EP) rằng ông ủng hộ việc giảm thiểu rủi ro (de-risking) hơn là tách rời (decoupling) nền kinh tế Đức khỏi Trung Quốc.


Lập trường này khác với Mỹ. Nền kinh tế số 1 thế giới ủng hộ việc cô lập Bắc Kinh về kinh tế bằng cách áp đặt các hạn chế thương mại trên trường thế giới .


Minh Đức (Theo Reuters, DW)

Chia sẻ Facebook