Đức - Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông
Trong khuôn khổ chuyến thăm Đức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ngày 2/5, hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tuyên bố chung giữa hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở tất cả các vùng biển, bao gồm cả Ấn Độ Dương và Biển Đông .
Đức và Ấn Độ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thống nhất, trong đó thừa nhận nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai bên đánh giá cao các hướng dẫn của Chính phủ Đức về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Ấn Độ xây dựng.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 2/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đoàn cấp cao Chính phủ nước này đã thăm chính thức Đức.
Hai nhà lãnh đạo có buổi hội đàm chung và cùng nhau chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Đức - Ấn Độ lần thứ sáu.
Kết thúc cuộc tham vấn, hai bên nhất trí ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định quan hệ giữa Đức và Ấn Độ dựa trên nền tảng tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung phục vụ nhân dân hai nước và các giá trị chung như dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, cũng như các phản ứng đa phương đối với các thách thức toàn cầu.
Hai chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đóng vai trò trung tâm.
Hai bên tái khẳng định quyết tâm của hai chính phủ trong việc củng cố, cải cách chủ nghĩa đa phương để đối phó với các thách thức hiện tại và tương lai, bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu, tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc cơ bản của giải quyết hòa bình các xung đột cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; nhấn mạnh cam kết trong việc giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức thấp hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực hơn nữa để hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5°C, hướng tới quá trình chuyển đổi và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Đức, Ấn Độ hợp tác phát triển xanh Đức và Ấn Độ hôm qua đã ký một loạt thỏa thuận song phương tập trung vào phát triển bền vững.