Đưa trí tuệ nhân tạo vào tầm soát bệnh tim bẩm sinh
Tim bẩm sinh là một trong những bệnh phổ biến trong nhóm dị tật bẩm sinh ở trẻ em với tỷ lệ khoảng 8 - 10/1.000 trẻ chào đời.
Chuyên gia tim mạch nước ngoài thực hiện siêu âm tim thai.
Chị Ngọc Diễm (32 tuổi, ở Long An) cho hay, khám thai phát hiện dị tật tim bẩm sinh ở tuần thứ 16. Siêu âm tim thai chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bất thường Ebstein type C. Đây là bệnh lý nguy hiểm, hiếm gặp với tỷ lệ 1% trong các bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhi có nguy cơ hở van ba lá nặng, dẫn đến suy tim nhanh chóng sau sinh.
Các bác sĩ sản - tim mạch phối hợp theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Bé chào đời ở tuần thai 39, nặng 2,9kg, suy tim nặng, nguy cơ tử vong lên đến 45% theo đánh giá trên siêu âm tim. Nhờ tiên lượng trong thai kỳ, điều chỉnh liều thuốc điều trị suy tim hàng tuần, phối hợp chăm sóc tích cực, bé được phẫu thuật thành công lúc 7 tháng tuổi và hiện phát triển khỏe mạnh, tiếp tục được bác sĩ theo dõi định kỳ.
Mới đây, ekip bác sĩ Sản - Sơ sinh - Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM) cũng phối hợp theo dõi, chăm sóc và phẫu thuật sửa dị tật tim bẩm sinh thành công cho em bé 6 ngày tuổi, nặng chưa đầy 3kg (ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bé được phát hiện dị tật bẩm sinh phức tạp từ tuần thai 22. Bé được hồi sức ngay tại phòng sinh, hỗ trợ hô hấp, giữ cho chỉ số SpO2 (độ bão hòa ô xy) trên 95%… Sau đó, bé được siêu âm tim chẩn đoán ngay tại giường, truyền thuốc Prostaglandin E1 duy trì mở ống động mạch. Hội chẩn liên chuyên khoa chỉ 1 ngày sau sinh và trao đổi liên tục để chọn thời điểm phẫu thuật sớm nhất có thể.
BSCKI Vũ Năng Phúc - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết, những năm gần đây, rất nhiều trường hợp được phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ tuần 16 - 17 thai kỳ. Với những trường hợp này, các bác sĩ sản - tim mạch - sơ sinh phối hợp theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ, chăm sóc tích cực ngay sau sinh và can thiệp, phẫu thuật tim vào thời điểm phù hợp.
Theo nhận định của giới chuyên môn, tim bẩm sinh là một trong những bệnh phổ biến trong nhóm dị tật bẩm sinh ở trẻ em với tỷ lệ khoảng 8 - 10/1.000 trẻ chào đời. Như vậy, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1,5 triệu trẻ được sinh ra, tương đương khoảng 12.000 - 15.000 trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh. Dù có những tiến bộ đáng kể trong điều trị phẫu thuật, can thiệp tim mạch, nhưng bệnh tim bẩm sinh vẫn để lại gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, công tác chẩn đoán, xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc từ bào thai và ngay sau sinh giúp phối hợp điều trị hiệu quả, tăng cơ hội sống cho trẻ.
Tuy nhiên, tim mạch là một trong những bệnh lý khó khăn, phức tạp hàng đầu về chẩn đoán, các bác sĩ thường phải thực hiện nhiều khảo sát cận lâm sàng và khám lâm sàng để có được chẩn đoán chính xác nhất. Do đó, việc tích hợp số lượng lớn các hình ảnh, thông tin chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng với tốc độ nhanh chóng và độ chính xác cao sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị chính xác, hiệu quả hơn. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được nghiên cứu ứng dụng nằm tự động tổng hợp, phân tích với tốc độ siêu nhanh, tối ưu thời gian và hiệu quả chẩn đoán. Cụ thể, máy siêu âm hiện đại có siêu thuật toán AI giúp bác sĩ siêu âm cắt, dựng hình, đo đạc cấu trúc tím từ bào thai nhỏ như đồng xu trong không gian 4 chiều, rút ngắn 70% thời gian chẩn đoán với độ chính xác cao vượt trội.
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, những năm gần đây, chương trình sàng lọc trước và sau sinh đã được triển khai. Tuy nhiên, do sự hạn chế về trang thiết bị, kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm trong chẩn đoán… nên vẫn còn nhiều trường hợp bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót trong thai kỳ, cũng như sau sinh. “Việc phối hợp đa chuyên khoa sản - tim mạch tầm soát phát hiện sớm bằng công nghệ AI hiện đại. Theo dõi chặt chẽ từ trong bào thai sẽ chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị tích cực cho trẻ ngay sau sinh, tăng cơ hội sống cho trẻ bệnh tim bẩm sinh” - BS Vinh nhấn mạnh.