Đưa tiễn cán bộ lão thành cách mạng Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 23:58:41

Sáng 9-6, đông đảo các cấp lãnh đạo, người thân và nhân dân đã có mặt tại nhà tang lễ quốc gia phía Nam để đưa tiễn bà Ngô Thị Huệ (cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ truy điệu bà Ngô Thị Huệ - Ảnh: HỮU HẠNH


Lễ truy điệu bà Ngô Thị Huệ bắt đầu từ 8h sáng 9-6. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - trưởng Ban tổ chức lễ tang - đã đọc điếu văn tiễn biệt bà Ngô Thị Huệ .

"Đồng chí Ngô Thị Huệ, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, một phụ nữ kiên gan, bất khuất, nhân hậu, thủy chung, một cán bộ lão thành cách mạng, một đảng viên kiên trung, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Dẫu biết cuộc đời là hữu hạn, sinh tử là quy luật tạo hóa nhưng sự ra đi của đồng chí Ngô Thị Huệ vẫn làm cho chúng ta xúc động, ngậm ngùi, thương tiếc đến tột cùng. Hình ảnh thân thương, tinh thần sống lạc quan, nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng rộng lớn, tình cảm thiết tha của cô Bảy Huệ kính yêu sẽ còn đọng mãi trong tâm trí chúng ta" - trích điếu văn.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đến tiễn đưa bà Ngô Thị Huệ - Ảnh: HỮU HẠNH

Bí thư Nguyễn Văn Nên đã nhắc nhớ những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Ngô Thị Huệ.


Gần trọn cuộc đời theo cách mạng, 105 tuổi đời, 87 năm tuổi Đảng, ở cương vị nào, đồng chí cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đọc điếu văn tiễn biệt bà Ngô Thị Huệ - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong phần phát biểu của gia đình, bà Nguyễn Thị Hòa (con của bà Ngô Thị Huệ) đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan, ban ngành, đơn vị, người thân đã tổ chức lễ tang chu toàn.

Bà Nguyễn Thị Hòa bật khóc khi nói lời tiễn biệt mẹ - Ảnh: HỮU HẠNH

"Mẹ ơi, mọi người cùng các con cháu của mẹ đang ở đây với mẹ, cùng tưởng nhớ về mẹ. Mẹ ơi, chúng con, chúng cháu luôn nhớ mẹ và yêu mẹ nhiều lắm", bà Nguyễn Thị Hòa xúc động gửi gắm đến mẹ.

Sau đó, linh cữu bà Ngô Thị Huệ được di quan và an táng tại nghĩa trang TP.HCM (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Linh cữu bà Ngô Thị Huệ được di quan và an táng tại nghĩa trang TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH


Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Ngô Thị Huệ

Dì Bảy Huệ - Ảnh tư liệu

Bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên) sinh ngày 22-6-1918 tại xã Mỹ Quới, huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).

Tháng 1-1936, trước sự cai trị, áp bức, bóc lột hà khắc của chế độ thực dân và địa chủ phong kiến, thiếu nữ Nguyễn Thị Ngỡi đã tham gia cách mạng, hoạt động bí mật tại quê nhà. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự khát khao cống hiến hết mình cho cách mạng, bà đã vượt qua mọi thử thách và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào tháng 4-1936, lúc vừa 18 tuổi.

Sau 2 năm phấn đấu và trưởng thành, bà lần lượt là huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ, phụ trách huyện Châu Thành.

Năm 1940, bà làm liên tỉnh ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang gồm 5 tỉnh miền Tây Nam Bộ, sau đó là phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Bà cùng với cấp ủy trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và tham gia chuẩn bị cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Cuối tháng 12-1940, bà Ngô Thị Huệ bị giặc bắt và giam tại bót Catinat Sài Gòn, sau đó chuyển về khám Phú Mỹ. Đến tháng 8-1941, địch đưa ra tòa xét xử nhưng do không đủ bằng chứng, phải xử trắng án và đưa về quản thúc tại quê nhà ở xã Mỹ Quới.

Đầu năm 1942, bà liên lạc được với Mặt trận Việt Minh thuộc Thành ủy Sài Gòn. Tại đây, bà là một trong những cán bộ chủ chốt liên lạc giữa Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Liên Tỉnh ủy Tiền Giang với Thành ủy Sài Gòn, chuẩn bị cho việc thành lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời.

Tháng 8-1942, trên đường đi công tác, bà bị địch bắt lần thứ hai, đưa ra tòa xét xử và kết án tù chung thân khổ sai, giam tại khám Chí Hòa.

Tháng 3-1945, tận dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, bà cùng một số cán bộ phá khám, giải thoát cho đa số tù chính trị, nhưng bà lại không thoát kịp.

Đến tháng 6-1945, bà cùng số người còn lại trong tù vận động, thuyết phục một số lính Nhật và đã thoát khỏi nhà tù. Bà trở về Bạc Liêu tiếp tục hoạt động cách mạng.


Tháng 8-1945, bà tham gia Tỉnh ủy Bạc Liêu, trực tiếp xây dựng đoàn thể Phụ nữ cứu quốc, được bầu làm trưởng đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bạc Liêu và tham gia cướp chính quyền tại đây.

Tháng 1-1946, bà được Tỉnh ủy Bạc Liêu giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, được phân công củng cố tổ chức Hội Phụ nữ hai tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre.

Tháng 4-1947, tại Hội nghị Thành ủy Sài Gòn mở rộng, bà được bầu làm thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn. Năm 1948, bà được bầu vào Thường vụ Thành ủy và được phân công nhiệm vụ xây dựng cơ sở Đảng ở các chợ Sài Gòn.

Năm 1952, bà được điều về cơ quan Hội Phụ nữ Nam Bộ, sau đó công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Sau Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954, bà được phân công trở lại Sài Gòn phụ trách trưởng Ban Phụ vận Thành ủy, trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và tham gia củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Đến năm 1958 phụ trách Phụ vận Xứ ủy.

Từ năm 1965, bà được giao nhiệm vụ làm vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà được giao nhiệm vụ đặc trách công tác xây dựng Đảng và là tổ trưởng Tổ công tác cán bộ TP.HCM.

Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục hỗ trợ công tác ở nhiều đơn vi, tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ tích cực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chiếc áo bà ba, mái tóc bạc trắng, gương mặt hồng hào, nụ cười hiền hậu là hình ảnh nhiều người bật nhớ ngay khi nhắc đến dì Bảy Huệ - Ngô Thị Huệ.

Chia sẻ Facebook