Đưa con đi học
Đưa đón con đi học, điều đó gần như là bắt buộc. Bởi ít có cha mẹ nào yên tâm để đứa trẻ tự điều khiển xe giữa một biển giao thông nhốn nháo, lắm bất trắc...
Chắc chắn không mấy ai không chưa từng nghe bài hát này: “Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp/ Chim đùa reo trong gió/ Cá dưới khe thì thào/ Hương rừng chen hương cốm/ Em tới trường hương theo/ Trường của em be bé/ Nằm ở giữa rừng cây/ Cô giáo em trẻ trẻ/ Dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi...”. (Ca khúc “Đi học”, nhạc Bùi Đình Thảo, thơ Hoàng Minh Chính).
Thế hệ sinh vào những năm 1970 như chúng tôi thì thuộc lòng, thuộc vì hát trên lớp và nghe trên đài suốt, mà hồi ấy ngoài nghe đài thì cũng chẳng biết nghe gì.
Những câu hát kể chuyện đi học của một em bé ở vùng trung du miền Bắc, có thể em là người thuộc tộc thiểu số Mường, Sán Dìu hay Dao gì đó. Em đi học và được mẹ “dắt tay từng bước” đưa đi. Chỉ đến khi người mẹ bận việc nương rẫy thì em mới đến trường một mình, tự đi, và được tự cảm nhận toàn bộ sự giao hòa tuyệt diệu của thiên nhiên đồng rừng ở trong mình.
Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở thành thị khoảng sau năm 1975, mặc dù không được hưởng cảnh thần tiên như em bé trong bài hát, nhưng ít ra, cũng đa phần tự đi học, không có ông bà cha mẹ cặp kèm dắt tay.
Dễ hiểu thôi, trong cái thời bao cấp khốn khó ấy, người lớn bận tối mắt tối mũi đi làm hoặc chạy chợ kiếm cơm, chẳng mấy ai có thời gian đưa trẻ đi học. Vả lại trường học thường rất gần nhà, trẻ có thể tự đi bộ đến trường. Lên cấp 2, cấp 3, nếu trường ở xa hơn thì đã có xe đạp, cứ thế nhấp nhổm ngoáy mông guồng chân trên xe Phượng hoàng, Thống nhất, Mifa, hoặc mini Nhật, tự đi tự về.
Niềm vui của tuổi thơ một thời cũng nằm ở đó một phần, quãng đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà. Không có người lớn đi kèm, bọn trẻ tha hồ trêu chọc cấu véo nhau, những trò đùa dại oái oăm nhất cũng không từ. Hòa bình hơn thì chúng bá vai bá cổ nhau, khi đi bộ và kể cả lúc đạp xe, chuyện trên trời dưới đất ríu ran suốt những cung phố.
Hoắng lên, chúng rủ nhau tạt ngang để đi đá bóng, tắm sông, hay vặt trộm quả. Nhiều đôi yêu đương sớm, ấy cũng bởi cái sự thân tình quá mức cần thiết khi đi học.
Bây giờ, những thập niên đầu thế kỷ XXI, cái cảnh học sinh tự đi học ấy, ít nhất ở các thành phố lớn, gần như không còn nữa. Các bậc làm cha làm mẹ, dù có bận bịu quay cuồng mưu sinh đến mấy thì cũng vẫn phải giành ra thời gian để đưa đón con đi học. Học chính và học thêm, ở trường và ở các lớp luyện thi. Sang thì đi ô tô, nhưng phổ biến là bằng xe máy.
Hơn nữa, đưa đón con đi học cũng để tiện việc cho nó ăn uống nếu lỡ những buổi học chính học thêm có nối nhau liên tục. Và cứ thế, con đường từ nhà tới trường tới lớp, rồi từ lớp từ trường về nhà của một học sinh phổ thông ở thành phố lớn bây giờ, như Hà Nội chẳng hạn, là con đường ngồi trên yên xe phía đằng sau cha mẹ. Nó không nhìn mặt mà nhìn gáy các bậc sinh thành.
Nó cũng chẳng ríu ran nói chuyện được với cha mẹ như em bé trong bài hát “Đi học” của nhạc sỹ Bùi Đình Thảo, vì sự tập trung của người điều khiển xe – biết đâu đấy, lại có một bà đi giày gót nhọn luống cuống đạp nhầm chân ga ô tô, hoặc một ông xe máy say rượu bất ngờ từ ngõ rồ ra – và cả vì sự ô nhiễm tiếng ồn trong không gian đô thị.
Nghĩa là đổi lại, đứa trẻ đi học bây giờ đã bị tước mất sự giao tiếp hồn nhiên với “đời sống trên đường”, sự hồn nhiên phù hợp và lẽ ra nó phải/ nên được hưởng thụ. Tôi cho rằng điều này khá quan trọng. Vấn đề không chỉ là việc đứa trẻ không được học, tập dượt kỹ năng xử lý những tình huống trên đường, mà còn là việc: ở cái hiện sinh “ngồi trên yên xe phía đằng sau” ấy, đời sống ùa vào trí não và tâm hồn nó sẽ chẳng được bao nhiêu. Thật là kỳ quặc: xã hội vận hành ngày một phức tạp hơn, nhưng thế giới tinh thần của những đứa trẻ đi học lại dường như ngày một lạnh lùng đơn giản hơn.
“Vì tương lai con em chúng ta”, một tương lai mà chúng ta nghĩ có thể chủ động chiếm lĩnh được nhưng thật ra là đầy bất định, nhiều bậc cha mẹ (trong đó có tôi) đã tự buộc mình “xe ôm” để đưa đón con đi học.
Cũng chẳng biết rồi sẽ thế nào, nhưng để cho con tự đi thì chắc chẳng mấy ai đủ can đảm. Lại đành loay hoay vật vã với cái sự “Trên đường” – tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jack Kerouac, viết về những tay nghệ sỹ hippy lang thang người Mỹ - và ngán ngẩm với những cái giá phải trả cho sự phát triển.