'Đứa con cưng' Tesla sẽ ra sao khi Elon Musk trở nên bận rộn với Twitter?
Các cổ đông của Tesla hiện đang rất thắc mắc rằng Elon Musk sẽ giải quyết thế nào để đảm bảo Tesla hoạt động ổn định sau khi ông này mua lại Twitter.
Động thái mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD của Elon Musk không chỉ khiến giới công nghệ quan tâm mà còn đang làm dấy lên lo ngại sâu sắc về khả năng điều hành tại công ty giá trị hơn của ông, Tesla. Lý do là bởi sự quan tâm của ông đang bị chia cắt nhiều hơn bởi nền tảng truyền thông xã hội Twitter.
Khi công bố thỏa thuận hôm thứ Hai (26/4) vừa qua, Musk gọi Twitter là "quảng trường thành phố kỹ thuật số" của thế giới và nói về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng ông cũng làm nhen nhóm lo ngại rằng bản thân ông sẽ trở lại guồng làm việc điên cuồng, phải ngủ trên sàn nhà máy trong quá trình ra mắt mẫu sedan Model 3.
"Tesla trông rất giống một công ty khởi nghiệp mặc dù nó là một công ty nghìn tỷ USD", nhà đầu tư Tesla Ross Gerber, giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Gerber Kawasaki cho biết. "Nó lớn hơn các công ty lớn nhất trên thế giới, nhưng nó không có cơ sở hạ tầng quản lý như các công ty khác".
Trên hết, Tesla đang chạy đua để tăng cường sản xuất tại các nhà máy mới ở Texas và Berlin trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn và chi phí nguyên liệu thô cao hơn, cũng như đưa công việc tại nhà máy lớn nhất của họ ở Thượng Hải trở lại đúng tiến độ trong thời gian COVID-19 tăng đột biến. Hệ quả là vào tháng 1, Musk cho biết Tesla đã có quá nhiều thứ cần triển khai và sẽ không giới thiệu các mẫu xe mới như Cybertruck trong năm nay.
Tesla đã cố gắng giải quyết các vấn đề của mình, nhưng việc mua lại Twitter của Elon Musk càng khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Một nhà quản lý quỹ giấu tên có vị trí quan trọng tại Tesla nói: "Tôi sợ rằng đây sẽ là một sự phân tâm. Anh ta đang chơi tung hứng với các chuỗi cung ứng, gây ra sự chậm trễ của nhà máy cũng như việc mở rộng kinh doanh lưu trữ năng lượng. Điều này không phù hợp chút nào".
Cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 10% vào thứ Ba (26/4), một ngày sau khi Musk đạt được thỏa thuận mua lại Twitter. Bên cạnh đó, cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 18% kể từ lần đầu tiên Musk tiết lộ hơn 9% cổ phần của mình trên Twitter vào ngày 4/4.
Tesla không đưa ra bình luận, nhưng một người trong cuộc từ công ty cho biết mối quan tâm của nhà đầu tư có lẽ đang hơi thái quá và Musk vẫn đang gắn bó rất nhiều với nhà sản xuất ô tô này.
Tesla, được thành lập vào năm 2003, đã phát triển thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất nhưng chỉ có hai giám đốc điều hành được liệt kê cùng với Musk trong đội ngũ lãnh đạo của mình trên trang web của công ty, so với 17 người ở General Motors và 11 ở Volkswagen .
Ban lãnh đạo cấp cao hiện tại của Tesla ngoài Musk còn có Giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn và Phó chủ tịch cấp cao Andrew Baglino, người phụ trách việc phát triển hệ thống truyền động. Cả hai đều được các nhà đầu tư biết đến khi xuất hiện trong các buổi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý của Tesla.
Robert Pavlik, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Dakota Wealth ở Fairfield, Connecticut, sở hữu một số lượng hạn chế cổ phiếu Tesla trong các tài khoản mà ông quản lý, đã tự hỏi liệu Musk có chỉ đơn giản là sẽ cài người khác vào lãnh đạo Twitter hay không.
Gerber cho biết, có lẽ Musk cần một giám đốc điều hành thứ 2 mạnh mẽ không kém gì ông ở SpaceX cùng với Chủ tịch Gwynne Shotwell.
Trong khi đó, Ian Beavis, giám đốc chiến lược tại công ty tư vấn ô tô AMCI, lo ngại việc mua Twitter của Musk, với những tranh cãi xung quanh các vấn đề chính trị và xã hội, thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới thương hiệu Tesla.
Ngày 26/4, cổ phiếu của Twitter cũng trượt giá, giảm 3,9% xuống còn 49,68 USD mặc dù trước đó chỉ 1 ngày, ông Elon Musk đã đồng ý mua lại công ty này với giá 54,20 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt.
Mức chênh lệch ngày càng rộng về giá cổ phiếu phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư rằng sự sụt giảm nhanh chóng của cổ phiếu Tesla, nơi ông Musk thu về phần lớn khối tài sản trị giá 239 tỷ USD của mình, có thể khiến người giàu nhất thế giới phải suy nghĩ lại về thương vụ Twitter.
Được biết, để mua lại Twitter với số tiền 44 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk đã vay ký quỹ 12,5 tỷ USD, tương đương gần một nửa số cổ phiếu Tesla ông nắm giữ, đồng thời phải trả 21 tỷ USD tiền mặt. Vì vậy, việc nhà đầu tư lo ngại ông Musk bán nốt số cổ phần còn lại của mình tại Tesla (trị giá khoảng 21,6 tỷ USD) là hoàn toàn có cơ sở.
Theo một hồ sơ mới được nộp lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), trong một số trường hợp, chẳng hạn như ông Musk không đảm bảo đủ tiền để hoàn thành thương vụ 44 tỷ USD, Giám đốc điều hành của SpaceX và Tesla có thể bị yêu cầu trả cho Twitter khoản phí chấm dứt hợp đồng là 1 tỷ USD.
Theo Tesla
Nhịp Sống Kinh tế