Đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới

Chia sẻ Facebook
19/06/2022 00:06:24

Đề án đặt mục tiêu thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam, tiến hành chuyển đổi số thành Bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Chiều 17/6/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã công bố Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024".


Văn hóa ẩm thực Việt Nam là một kho tàng di sản vô giá của Việt Nam, việc khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Đa dạng món ngon Việt được trưng bày trong khuôn khổ sự kiện.

Việc đưa văn hóa vào ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia sẽ là chất xúc tác liên kết các chuỗi cung ứng, sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp (VCCA đã hợp tác với Chương trình OCOP của Bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương). Thương hiệu quốc gia về Văn hóa Ẩm thực gắn với thương hiệu điểm đến về du lịch, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.


Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết: "Việc xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia nhằm đưa văn hóa ẩm thực chuyển tải thành những giá trị văn hoá ẩm thực phổ cập tiêu biểu tại Việt Nam và thế giới".

Đại diện Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) và Liên minh chuyển đổi số (DTS) ký kết hợp tác tham gia Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành Thương hiệu Quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024".

Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024" sẽ phát triển trong 3 năm.

Năm 2022, dự kiến thu nhập dữ liệu 300 món ăn tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đồng thời tham khảo đánh giá của cộng đồng.

Giai đoạn năm 2023 sẽ thu thập cơ sở dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của VCCA.


Giai đoạn 2024 chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ Ẩm thực Việt Nam và hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D.

Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và đại biểu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực qua phong phú món ăn vùng, miền.


(Ảnh trong bài: Ban tổ chức/ TTXVN)

Chia sẻ Facebook