Dù ủng hộ Ukraine nhiệt tình, Pháp vẫn khó nói “không” với khí đốt Nga

Chia sẻ Facebook
12/04/2024 03:58:36

Dữ liệu mới cho thấy Pháp đang âm thầm tăng cường nhập khí đốt từ Nga. Tổng cộng, Paris đã trả hơn 600 triệu Euro cho Điện Kremlin kể từ đầu năm.


Trong 3 tháng đầu năm nay, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga sang Pháp đã nhiều hơn so với lượng hàng sang bất kỳ quốc gia nào khác trong EU, theo dữ liệu được phân tích bởi tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho Politico.


Tổng cộng, Paris đã trả hơn 600 triệu Euro cho Điện Kremlin để mua khí đốt kể từ đầu năm. Thương mại khí đốt ngày càng tăng giữa cường quốc hàng đầu châu Âu và Nga diễn ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thể hiện đường lối cứng rắn hơn trong việc ủng hộ Ukraine.


Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, ông Macron đã tìm cách giúp giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao. Nhưng sau 2 năm chiến sự, nhà lãnh đạo Pháp đã chuyển hướng mạnh mẽ sang chính sách đối ngoại “diều hâu” hơn, nhiều lần từ chối loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine.


Tình hình lại khác trên mặt trận khí đốt. Pháp khẳng định việc họ mua khí đốt Nga là cần thiết để duy trì nguồn cung cho các hộ gia đình trên khắp châu Âu, và vì Paris đang vướng vào một hợp đồng dài hạn với Moscow, vốn sẽ kéo theo rất nhiều điều phức tạp về mặt pháp lý để thoát khỏi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Hungarian Conservative


Dù thế nào, việc châu Âu vẫn nhập năng lượng từ Nga cho thấy những nỗ lực của EU nhằm hạn chế nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Điện Kremlin là chưa đủ.


“Nếu châu Âu vẫn nhập khẩu LNG từ Nga thì đó là vì có nhu cầu”, một nhà kinh doanh khí đốt có trụ sở tại Pháp cho biết. “Với việc các nhà cung cấp chính khác của chúng tôi, chẳng hạn như Na Uy, đang hoạt động ở công suất tối đa, sẽ khó có thể ngăn chặn hoàn toàn dòng LNG từ Nga. Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng”.


Không phải trường hợp cá biệt


Trong vòng vài tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào năm 2022, EU đã đưa ra kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Moscow vào năm 2027.


Cho đến nay, nỗ lực trên phần lớn đã thành công. Mặc dù một số nước ở EU tiếp tục mua nhiên liệu hạt nhân và một số đường ống dẫn dầu và khí đốt vẫn hoạt động, khối này đã cắt giảm khoảng 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với nhập khẩu than và dầu bằng đường biển.


Nhưng những nỗ lực tương tự nhằm cắt giảm nhập khẩu LNG đã thất bại. Theo một báo cáo mới của CREA công bố hôm 11/4, mặc dù loại nhiên liệu này chỉ chiếm 5% lượng tiêu thụ khí đốt của EU vào năm ngoái, nhưng các nước EU đã trả cho Moscow hơn 8 tỷ Euro tiền hàng.


Pháp không phải là trường hợp cá biệt. Dữ liệu vận chuyển cho thấy ít nhất 9 nước EU tiếp tục mua LNG của Nga. Nhưng Pháp dẫn đầu cả nhóm về khối lượng nhập khẩu trong quý I/2024 với tổng cộng 1,5 triệu tấn và cũng là nước có mức tăng nhập khẩu nhiều nhất so với cùng kỳ năm ngoái.


Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan – 3 khách hàng lớn nhất mua LNG của Moscow sau Pháp – đều cho biết họ sẽ ủng hộ các bước nhằm giảm lượng mua này, nhưng cho rằng mọi người phải hành động cùng nhau nếu không điều đó sẽ vô nghĩa.

Xuất khẩu LNG của Nga sang EU biến động qua các năm. Nguồn: S&P Global


“Con đường duy nhất phía trước là… một cách tiếp cận chung về giảm hoặc cấm nhập khẩu”, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera nói với các phóng viên tại cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU vào tháng trước. “Chúng tôi cần điều này càng sớm càng tốt”.


Cũng tại cuộc họp trên, đại diện của Litva thậm chí còn đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG Nga. Nhưng Pháp phần lớn vẫn không lên tiếng trong các dịp như vậy.


Trên thực tế, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã bảo vệ hoạt động mua hàng mà Paris đang tiến hành. Ông nói với các nhà lập pháp trong tháng này rằng việc chấm dứt sự phụ thuộc của Pháp vào khí đốt Nga nên được thực hiện dần dần để tránh tác động quá tàn khốc đến thị trường và khiến giá cả tăng vọt.


Muôn vàn lý do


Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Pháp nói với Politico rằng việc Paris tăng mua khí đốt Nga còn là vì để trung chuyển cho các quốc gia khác như Italy.


Chính phủ đang “nghiên cứu khả năng cung cấp nguồn thay thế... mà không gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng châu Âu”, vị phát ngôn viên nói thêm, nhấn mạnh rằng Paris ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga vào năm 2027.


Nhưng đó chưa phải là toàn bộ lý do khiến Pháp ngần ngại giảm nhập khẩu khí đốt Nga. Tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp nắm giữ 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG, dự án vận hành một nhà máy hóa lỏng khí ở Tây Bắc Siberia do công ty năng lượng tư nhân Nga Novatek sở hữu phần lớn.


Theo hợp đồng dài hạn, công ty Pháp buộc phải tiếp tục mua ít nhất 4 triệu tấn LNG từ cơ sở này mỗi năm cho đến năm 2032. Ông Patrick Pouyanné, CEO của TotalEnergies, đã công khai gọi lệnh cấm của EU đối với LNG Nga là “vô lý” trước năm 2025 hoặc 2026.


Người phát ngôn của TotalEnergies nói với Politico rằng công ty tuân thủ luật pháp EU và “không thực hiện bất kỳ hoạt động vận động hành lang nào chống lại các lệnh trừng phạt”.


Vị phát ngôn viên cũng cho biết, công ty đã không bán cổ phần của mình trong Yamal LNG để giúp bảo vệ nguồn cung năng lượng cho châu Âu, lập luận rằng “trên thị trường LNG toàn cầu, nguồn cung vẫn khan hiếm”.

Tập đoàn năng lượng quốc gia TotalEnergies của Pháp nắm giữ 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG ở Siberia, Nga. Ảnh: Hydrocarbons Technology


Bộ Kinh tế Pháp cho biết “vấn đề mua LNG Nga không phải là về hợp đồng hay hoạt động của TotalEnergies mà là về cơ hội và rủi ro khi áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với toàn bộ EU”.


Nhưng các chuyên gia không bị thuyết phục. Ông Phuc-Vinh Nguyen, một nhà phân tích năng lượng tại Viện Jacques Delors có trụ sở tại Paris, đã đưa ra một lập luận nhiều tầng. Thứ nhất, vẫn có hàng nhập khẩu thay thế; thứ hai, ngành công nghiệp Pháp hiện liên tục sử dụng ít khí đốt hơn kể từ năm 2022; và thứ ba, mức dự trữ quốc gia đã cao hơn năm ngoái. Tổng hợp lại, điều đó làm giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.


Ở cấp độ EU, khối này cũng có thể thay thế hàng nhập khẩu từ Nga bằng hàng từ những nơi như Mỹ dù lệnh cấm LNG Nga “ngay lập tức” có thể khiến giá cả leo thang, bà Aura Sabadus, nhà phân tích cấp cao về thị trường khí đốt tại công ty tình báo thị trường ICIS, cho biết.


Đòi hỏi phải hành động


Cuộc tranh luận diễn ra khi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, bắt đầu chuẩn bị cho một gói trừng phạt khác chống lại Nga. Đây sẽ là gói trừng phạt thứ 14 của khối này áp đặt lên Moscow để phản ứng với xung đột ở Ukraine.


Nhưng LNG khó có thể xuất hiện trong gói trừng phạt tiếp theo này, bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan. Hungary từ lâu đã luôn phản đối các biện pháp trừng phạt liên quan đến khí đốt Nga. Trong khi sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU là điều kiện cần để bất kỳ gói biện pháp hạn chế nào được thông qua.


“Tôi nghi ngờ chúng ta sẽ đạt được sự nhất trí về vấn đề đó”, một quan chức cấp cao của EC thừa nhận. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng cho biết thêm rằng các nước EU sẽ sớm có thể cấm các công ty Nga mua công suất tại các cảng LNG của họ.


Ngoài ra, việc gỡ rối các hợp đồng dài hạn với các công ty Nga là một vấn đề khó khăn khác đối với EU. Các thỏa thuận này thường buộc các công ty năng lượng phải trả tiền cho một lượng khí đốt cố định ngay cả khi họ ngừng mua hàng hóa thực tế từ Nga, ông Doug Wood, người đứng đầu bộ phận khí đốt tại tổ chức vận động hành lang Liên đoàn Thương nhân Năng lượng châu Âu, cho biết.


Ông Wood cũng chỉ ra các cách có thể để hạn chế khí đốt Nga tràn ngập châu Âu. Theo ông, các công ty năng lượng có thể giảm nhập khẩu khí đốt Nga đến giới hạn tối thiểu.


Trong khi đó, các chính phủ EU có thể áp đặt giới hạn giá đối với nhập khẩu LNG từ Nga, báo cáo của CREA đề xuất. Phân tích của CREA cho thấy giới hạn giá của EU được đặt ở mức 17 Euro/MWh có thể làm giảm khoảng 1/3 thu nhập từ LNG của Moscow, dựa trên số liệu năm ngoái.


Tuy nhiên, về cơ bản, bất kỳ giải pháp nào cũng cần có hành động chung – ít nhất là từ các quốc gia nhập khẩu lớn nhất của EU, ông Wood nói. Và rõ ràng, điều đó đòi hỏi một cường quốc hàng đầu như Pháp phải hành động .


Minh Đức (Theo Politico EU, S&P Global)

Chia sẻ Facebook