Du thuyền và tiền của Nga đang chảy trôi về nơi Mỹ mất dần sức ảnh hưởng?

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 18:56:42

Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông giờ đây bỗng trở thành thỏi nam châm thu hút những người giàu có và tài sản của Nga.

Andrey Melnichenko, một trong những người đàn ông giàu nhất nước Nga đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu. Vì vậy, ông cần có quyền tài phán an toàn để bảo vệ các doanh nghiệp mà mình đã xây dựng. May mắn cho Melnichenko, ông đã tìm thấy điều đó ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Nhà sản xuất than SUEK có trụ sở tại Moscow và Zug, công ty phân bón EuroChem có trụ sở tại Thụy Sĩ đều đang mở các chi nhánh tại UAE, theo 5 người có hiểu biết về vấn đề này cho hay. Cả hai công ty trên đều là do Melnichenko thành lập. Người đàn ông 50 tuổi này đã từ chức hội đồng quản trị của cả hai công ty trước các lệnh trừng phạt của EU áp đặt vì những cáo buộc về quan hệ giữa ông và Điện Kremlin. Vào tháng 5, các nhà chức trách Thụy Sĩ cho biết họ đã hủy phong tỏa các tài khoản của EuroChem sau khi Melnichenko chuyển quyền sở hữu cho vợ mình.

Melnichenko đã chuyển chiếc du thuyền Motor Yacht A trị giá 300 triệu USD đến Dubai vào tháng 12 và để nó ở đó cho đến đầu tháng 3, theo dữ liệu theo dõi của Bloomberg. Lần cuối cùng nó được phát hiện ra là ở Ras Al Khaimah của UAE. Du thuyền khác của ông đã bị Ý thu giữ vào tháng 3.

Một quan chức chính phủ nói với Bloomberg rằng UAE rất coi trọng vai trò của mình trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu và chống trốn tránh theo các nghĩa vụ quốc tế.


UAE là một trong ba quốc gia Trung Đông đã nổi lên như nam châm thu hút sự giàu có của Nga kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, làm thất bại những nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp một mặt trận thống nhất chống lại ông Vladimir Putin.

Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel cũng trở thành những điểm nên đến đối với những người Nga muốn tìm kiếm nơi có khí hậu ấm áp hơn.

Việc tài sản Nga tìm đến một đồng minh của Mỹ khiến ngưởi ta băn khoăn sức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông liệu có đang giảm đi hay không. Trong khi các đồng minh ở xa như Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt và tịch thu tài sản đối với Nga thì các đồng minh quan trọng ở Trung Đông lại có sự kiềm chế.

Norman Bailey, cựu giám đốc cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, người nghiên cứu về tiền của Nga ở Trung Đông, cho biết: "Ba quốc gia này trong lịch sử từng là đồng minh quan trọng của Washington. Điều đó cho thấy Mỹ đang giảm dần ảnh hưởng."

UAE đã từ chối lên án chiến dịch của Nga tại một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc. Cùng với Israel, UAE không đồng tình với nỗ lực của chính quyền Biden trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Cả hai nước này đều coi đó là mối đe doạ an ninh.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy là một cường quốc của NATO nhưng lại là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc mua vũ khí của Nga. Trong khi cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine, nước này cũng đồng thời duy trì quan hệ với ông Putin và tìm cách đóng vai người hoà giải.

Chính quyền Biden đã tìm cách hàn gắn các mối quan hệ trong khu vực kể từ khi cuộc xung đột diễn ra nhưng thế giới đã thấy một dấu hiệu khác về sự suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ. Nước này đã không thuyết phục được các đồng minh vùng Vịnh giúp kiềm chế giá dầu thô đang làm tăng lạm phát trên toàn thế giới. UAE là một phần của OPEC và nhóm các nhà xuất khẩu dầu này vẫn tiếp tục điều phối sản lượng với Nga.

Trong khi một số ngân hàng lớn nhất của Nga đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sau cuộc xung đột, các doanh nhân bị trừng phạt vẫn có thể chuyển tiền qua các ngân hàng nhỏ hơn đến UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, theo các chủ ngân hàng, luật sư và quan chức có kiến ​​thức về hoạt động này cho biết.

Nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao nói rằng mình đã có tài khoản ngân hàng ở châu Âu và Bắc Mỹ, những tài khoản mà họ sử dụng để chuyển tiền có nguy cơ bị đóng băng. Những người Nga giàu có với các mối quan hệ hàng đầu cũng có thể chuyển tiền mặt cho UAE, đôi khi có thể chuyển đến trên máy bay phản lực tư nhân.

Trong khi đó, tiền điện tử đã nổi lên như một cách để chuyển tiền quốc tế với ít sự giám sát.

Ngay cả trước cuộc xung đột, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chú ý bởi sự giám sát lỏng lẻo đối với tiền nước ngoài. Vào tháng 3 và tháng 10, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, cơ quan giám sát tội phạm tài chính toàn cầu, đã lần lượt xếp hai quốc gia trên vào danh sách xám các quốc gia không làm đủ để chống lại dòng tiền bẩn.

Các quan chức UAE nói rằng đất nước của họ vẫn mở cửa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, mặc dù họ không ngừng nỗ lực tăng cường khuôn khổ quy định và chống tội phạm tài chính.

Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lời trước yêu cầu bình luận. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mevlut Cavusoglu cho biết tại Diễn đàn Doha vào tháng 3 rằng các tỷ phú Nga sẽ được phép kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ miễn là phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế.

Quy mô của các dòng chảy liên quan đến Nga trở nên khó đánh giá hơn khi chúng được giao dịch trên các mạng lưới ngân hàng chính thức. Các chuyển động tiền mặt hoặc tiền điện tử trở nên dễ che giấu hơn và các giao dịch thường được thực hiện thông qua mạng lưới phức tạp để giúp vượt qua các lệnh trừng phạt.

Vì Ukraine rất mong muốn có nhiều hành động hơn được thực hiện, các quan chức Mỹ cho biết họ đã thảo luận về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với dầu của Nga. Những điều đó sẽ khiến bất kỳ quốc gia hoặc doanh nghiệp nào đang tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ phải chịu các hình phạt từ Washington. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể sẽ gây chia rẽ vì làm tổn hại và có thể khiến một số đồng minh xa lánh, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào khí đốt và các mặt hàng khác của Nga.

Jodi Vittori, giáo sư tại Đại học Georgetown, người nghiên cứu về mối liên hệ của các dòng chảy tài chính và an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết: "Toàn bộ quá trình tái tổ chức địa chính trị này đang diễn ra. Và tôi không nghĩ rằng Mỹ có cách giải quyết cho việc này."

Hiện tại, chính quyền Biden đã tìm cách lấp một số lỗ hổng bằng cách cấm các tổ chức Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán, tư vấn hình thành doanh nghiệp và quản lý cho bất kỳ tổ chức nào của Nga. Vương quốc Anh cũng thực hiện các biện pháp tương tự, khiến các công ty dịch vụ chuyên nghiệp phương Tây khó hỗ trợ người Nga tìm kiếm được những nơi trú ẩn tránh các biện pháp trừng phạt.

Theo dữ liệu theo dõi của Bloomberg, ít nhất 4 du thuyền liên kết với Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Họ bao gồm chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich và My Solaris cũng như ông trùm khai thác mỏ Iskandar Makhmudov. Những người khác đã ở Thổ Nhĩ Kỳ khi cuộc xung đột nổ ra.

Hệ thống tài chính của Israel được quản lý chặt chẽ. Theo các chủ ngân hàng, luật sư và nhà môi giới bất động sản, các biện pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền đã khiến người Nga khó chuyển tiền qua ngân hàng, mặc dù họ vẫn có thể mua tài sản tương đối dễ dàng.

Quốc gia này cũng cấp quyền công dân cho người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới, khiến nó trở thành một lựa chọn hiển nhiên cho những người Nga có tài sản nguồn gốc Do Thái. Trong khi Israel thu hút cả những người Ukraine chạy nạn và những người Nga gặp khó khăn, bao gồm cả một số lượng đáng kể các tỷ phú.

Abramovich, 55 tuổi, đã có quốc tịch Anh vào năm 2018 sau khi chật vật để gia hạn visa Anh và mua một biệt thự trị giá 65 triệu USD ở Herzliya hai năm sau đó. Ông cũng sở hữu các tài sản khác ở đó.

Israel đã gặp phải sự chỉ trích hiếm hoi của Mỹ sau khi những hình ảnh về Abramovich tại sân bay của Tel Aviv xuất hiện vào tháng 3. Máy bay phản lực của Abramovich đã phải khởi hành từ Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này sẽ không cho phép mình trở thành con đường để lách các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt đối với Nga, đồng thời đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đảm bảo các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế nắm được các lệnh trừng phạt và hậu quả của việc không tuân thủ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại về chính trị. Người Nga chiếm 1/5 lượng khách du lịch nước ngoài vào năm ngoái và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua gần một nửa lượng khí đốt từ Nga. Với mức lạm phát kỷ lục khiến công chúng giận dữ một năm trước các cuộc bầu cử quan trọng, giờ đây, việc quay lưng lại đối với Thổ Nhĩ Kỳ là điều đặc biệt khó khăn.

Sergiy Volchenkov, một đối tác tại Tolerance Homes ở khu nghỉ mát Antalya, Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hầu hết khách hàng của ông là người Nga và nhu cầu đã tăng gấp 5 lần kể từ cuộc xung đột.

Ông nói: "Một số người mua tới 15 căn hộ trong một lần để được cấp quốc tịch."

Kể từ khi xung đột diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng ngưỡng cho người mua bất động sản nước ngoài có quốc tịch từ 250.000 USD lên 400.000 USD. Điều đó vẫn là sự hấp dẫn đặc biệt đối với những người Nga giàu có vì họ cần tiền dự phòng khi EU kết thúc chương trình "hộ chiếu vàng".

Theo số liệu chính thức, doanh số bán nhà cho người nước ngoài đã tăng gấp đôi trong 4 tháng đầu năm 2022 so với một năm trước đó. Vào tháng 4, người Nga lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng những người mua nước ngoài nhiều nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ Facebook