Dư thừa điện năng khơi dậy cuộc chiến giá khốc liệt trong ngành quang điện ở Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
29/06/2023 15:40:19

VietTimes – Khác với nhiều quốc gia đang thiếu điện nghiêm trọng, Trung Quốc lại là quốc gia dư thừa điện năng, hậu quả của tình trạng đầu tư quá "nóng".

Sự phát triển ồ ạt điện mặt trời ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nghiêm trọng (Ảnh: Getty)

Ngày 1/6/2023, Bloomberg New Energy Finance (BloombergNEF) đã tổ chức một cuộc họp báo về "Báo cáo triển vọng dài hạn của thị trường năng lượng mới Trung Quốc năm 2023". Ông Khấu Nam Nam, người phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức này công bố: "Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào chuyển đổi loại hình năng lượng trên thế giới, chiếm hơn một nửa trong tổng số vốn đầu tư 1,4 nghìn tỉ USD của toàn thế giới".

Bên cạnh việc mô tả cách Trung Quốc đạt được mức khí phát thải bằng 0 vào năm 2050 và đảm bảo rằng sự nóng lên toàn cầu không vượt quá 2 độ C với mức chi phí thấp nhất, báo cáo đã chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi này đồng nghĩa với việc hệ thống năng lượng của Trung Quốc có cơ hội được đầu tư ít nhất 243 nghìn tỉ NDT.

"Để đạt được mức khí phát thải bằng không vào năm 2050, Trung Quốc cần tăng gấp ba lần đầu tư từ năm 2025 đến năm 2030 lên mức trung bình là 10,7 ngàn tỉ NDT/năm", báo cáo viết.

Báo cáo dự đoán rằng theo kịch bản chuyển đổi khí thải thành 0, đến năm 2050, công suất lắp đặt tích lũy của năng lượng gió và quang điện (điện mặt trời) ở Trung Quốc sẽ vượt quá 6,7 tỉ kilowatt, tăng hơn 7 lần so với 800 triệu kilowatt của năm 2022; công suất lắp đặt điện hạt nhân đạt 350 triệu KW, tăng hơn 5 lần so với năm ngoái.

Hội thảo tại Hội chợ Triển lãm quang điện SNEC Thượng Hải được tổ chức vào cuối tháng 5/2023 (Ảnh: Sina).

Tình trạng dư thừa điện năng xuất hiện

Tại cuộc họp, Triệu Thiên Ỷ, nhà phân tích chuyển đổi năng lượng Trung Quốc của Bloomberg NEF, cũng nhận xét về tình hình hiện tại của thị trường quang điện.

Bà cho rằng vấn đề dư thừa công suất quang điện đã dần xuất hiện trong năm nay. Dự báo của Bloomberg NEF vào đầu năm chỉ ra rằng có ít nhất 3 nhà sản xuất cỡ trung bình có thể bị phá sản trong năm nay.

"Cạnh tranh trong ngành quang điện rất khốc liệt, điều này sẽ gây áp lực lớn lên những nhà sản xuất vừa và nhỏ cũng như những người mới", bà nói, thêm rằng triển vọng phát triển của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc họ có thể thúc đẩy lộ trình công nghệ với hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất hay không.

Vấn đề thừa công suất trong ngành quang điện thực sự đã thu hút sự chú ý của ngành năng lượng. Tại Hội chợ Triển lãm quang điện SNEC Thượng Hải được tổ chức vào cuối tháng 5/2023, nhiều đại gia trong ngành đã chỉ ra các vấn đề như cạnh tranh giữa các công ty quang điện và công suất quá dư thừa, đồng thời cho rằng hiện có những rủi ro do việc mở rộng sản xuất một cách điên cuồng của một số công ty.

Ông Lý Chấn Quốc, Tổng Giám đốc của LONGi Green Energy.

Theo Lý Chấn Quốc, Tổng Giám đốc của LONGi Green Energy, vào cuối năm nay, toàn bộ ngành sẽ có công suất sản xuất hơn 700 GW mà vẫn còn công suất sản xuất đang quy hoạch tiếp. Nếu không dừng lại, năng lực sản xuất của ngành sẽ đạt 1.000 GW vào cuối năm tới.

Ông Lý cho rằng sự đồng thuận về quá trình chuyển đổi năng lượng đã hình thành và quy mô của ngành sẽ tiếp tục phát triển, nhưng tình trạng dư thừa mang tính giai đoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những người đầu tiên bị tổn thương là những công ty không có sự chuẩn bị tổng thể, chẳng hạn những công ty có tài chính yếu, công nghệ tụt hậu và chưa có thương hiệu ban đầu.

Do mức độ điện khí hóa cao hơn trong kịch bản chuyển đổi giảm phát thải bằng 0, Bloomberg New Energy Finance cho rằng mức tiêu thụ điện hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt quá 17 nghìn tỉ kWh vào năm 2050, gần gấp đôi so với năm ngoái. Khi đó, phần lớn sản lượng điện sẽ đến từ phong điện (điện gió) và quang điện (điện mặt trời), chiếm 75%; điện hạt nhân sẽ đóng góp 14% sản lượng điện; phần còn lại sẽ chủ yếu được đáp ứng bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

Công suất dư thừa, xuất khẩu khó khăn, giá cả các tấm quang điện đang giảm mạnh (Ảnh: Sohu)

Cuộc chiến giảm giá khốc liệt

Gần đây, những "gã khổng lồ" quang điện của Trung Quốc đã phát động cuộc chiến giảm giá pin mặt trời, phản ánh tình trạng dư thừa công suất trong ngành. Những người trong ngành ước tính sẽ có nhiều nhà sản xuất quang điện sẽ bị phá sản trong 2 đến 3 năm tới.

Ngày 29/5, Trung Quốc LONGi Green Energy, nhà cung cấp cấu kiện quang điện lớn nhất thế giới, đã thông báo sẽ hạ giá các tấm silicon đơn tinh thể khổ lớn; trong đó tấm loại 166mm giảm từ 0,79 USD xuống 0,55 USD/tấm, mức giảm 30%; giá của các tấm silicon khổ 182mm giảm từ 0,91 USD xuống còn 0,63 USD/tấm, mức giảm 30,8%.

TLC Zhonghuan, nhà sản xuất hàng đầu về tấm silicon ngày 11/5 công bố báo giá mới nhất cho thấy giá các tấm silicon giảm mạnh. So với báo giá ngày 6/4, mức giảm giá của các loại tấm silicon đã giảm hơn 20%...

Đằng sau việc giảm giá mạnh của tấm silicon là giá vật liệu silicon đã liên tục giảm kể từ tháng 3 năm nay. Theo số liệu của PVInfoLink, từ ngày 1/3 đến 26/4, báo giá silic nồng độ đặc giảm 22%.

Từ góc độ của các cấu kiện quang điện, một báo cáo nghiên cứu của Guohai Securities cũng cho thấy mức giá trung bình hiện tại của các module quang điện 182/210 dòng chính đã giảm từ 1,98 NDT (0,29 USD) mỗi watt vào tháng 11/2022 xuống còn 1,72 NDT (0,25 USD), mức giảm 14%.

Ngay từ ngày 21/4, trong đợt đấu thầu khung giá module quang điện đầu tiên năm 2023 của China Coal Energy, một công ty đã lập kỷ lục về báo giá thấp nhất cho các module loại N với mức báo giá 1,645 NDT (0,24 USD) mỗi watt. Ngày 6/4, mở thầu module quang điện 8GW của PetroChina, giá trung bình được đưa ra bởi các công ty tham gia đấu thầu là 1,68 NDT (0,243 USD). Tuy nhiên, một công ty pin chưa bao giờ sản xuất module đã báo giá thấp nhất là 1,57 NDT (0,227 USD). Ngày 10/4, thông báo ứng cử viên đấu thầu module quang điện của Huaneng Guizhou cho thấy Changzhou Huayao Optoelectronics đưa ra báo giá 1,533 NDT (0,222 USD) mỗi watt.

Mao Đình Đình, một nhà phân tích quang điện tại Shanghai Nonferrous Metals, hồi tháng 4 năm nay cho rằng cuộc chiến giá cả hiện nay trong ngành quang điện là kết quả tất yếu của sự phát triển quá nóng. Một số nhà đầu tư đã mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu silicon, phụ liệu, chip pin, sau khi nhìn thấy cơ hội đầu tư sinh lời vượt trội khiến thị trường thừa cung trầm trọng.

Tại Hội nghị quang điện toàn cầu SNEC Thượng Hải lần thứ 16 vào ngày 23/5, Chung Bảo Thân, Chủ tịch của China LONGi Green Energy, nhà cung cấp module quang điện lớn nhất thế giới vào năm ngoái, đã đề cập rằng trước năm 2021, ngành quang điện của Trung Quốc phải mất hơn 10 năm để xây dựng chuỗi công nghiệp khoảng 380GW. Nhưng chỉ trong 18 tháng trước SNEC, Trung Quốc đã có thêm 380GW chuỗi công nghiệp quang điện.

Theo dữ liệu công khai của Black Eagle Photovoltaic, một nền tảng truyền thông tài chính chuyên nghiệp chú ý đến động thái của ngành quang điện, từ năm 2020 đến 2022, đầu tư vào ngành quang điện đã tăng lên nhanh chóng và tổng cộng hơn 2,3 nghìn tỉ NDT (333,3 tỉ USD) vốn đã đổ vào các khâu của ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc.

Một Nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước (Ảnh: Chinadaily).

Những rủi ro từ bên ngoài

Ngoài tình trạng dư thừa và tính đồng nhất nghiêm trọng của sản phẩm, ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự không chắc chắn lớn ở thị trường nước ngoài.

Trong một năm qua, các chính sách mới của các nước châu Âu và Mỹ cho thấy họ rất lo lắng về sự phụ thuộc của ngành năng lượng mới vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, việc thành lập chuỗi cung ứng độc lập đã trở thành sự đồng thuận của các nước này.

Tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã ban hành "Đạo luật giảm lạm phát" để hỗ trợ sự phát triển của ngành quang điện bản địa và trợ cấp cho các công ty quang điện Mỹ. Ngoài ra, với tư cách là một thị trường quang điện quan trọng ở Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra dự thảo "Đạo luật Công nghiệp Net Zero" vào tháng 3/2023, yêu cầu năng lực sản xuất module quang điện của EU phải đáp ứng ít nhất 40% nhu cầu hàng năm trước năm 2030. Hội đồng sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu (ESMC) cho rằng ít nhất 75% nhu cầu năng lượng mặt trời của châu Âu phải được sản xuất tại bản địa.

China Asset Management, trong một báo cáo công bố vào tháng 3 năm nay cho biết sau khi công bố dự thảo "Đạo luật công nghiệp Net Zero" của châu Âu, thị trường lo ngại hơn về hoạt động sản xuất nội địa hóa tiếp theo của khu vực này và một số quan điểm cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu linh kiện quang điện của Trung Quốc. Thêm nữa, thị trường cho rằng sau 4 năm liên tiếp tăng trưởng nhu cầu cao trong ngành quang điện, thị trường lo lắng rằng năm 2024 sẽ xảy ra tình trạng dư thừa công suất trong tất cả các khâu của chuỗi công nghiệp chính và lợi nhuận trên mỗi watt sẽ giảm. ​


Theo Stcn, Creaders

Chia sẻ Facebook