Dù thị trường trầm lắng, "thợ săn" địa ốc vẫn ráo riết tìm hàng cuối năm
Dù thị trường trầm lắng, nhưng lượng người tìm hiểu thông tin bất động sản vẫn tăng cho thấy các “thợ săn” vẫn không ngừng tìm kiếm sản phẩm tốt để đầu tư.
Có một nghịch lý khi thị trường bất động sản sôi động, ai ai cũng “lao đầu” vào mua mua bán bán. Họ chấp nhận mua giá đắt, chính vì thế không ít người mua ngay mức giá ở đỉnh. Thế nhưng, khi thị trường vừa có dấu hiệu chững lại, ngay lập tức giao dịch giảm mạnh. Dù có nhiều người rao bán cắt lỗ để thoát hàng thì cũng không có mấy ai quan tâm. Nhà đầu tư mang tâm lý “phòng thủ”, chờ đợi và mong giá còn giảm.
Thế nhưng, theo dõi các thông tin bất động sản trong hai năm qua, giá bất động sản vẫn tăng trong sự nghi ngờ của nhà đầu tư. Đặc biệt, trong quý 2 này, sự quan tâm về bất động sản trên cả nước sụt giảm, thanh khoản thấp nhưng giá bất động sản vẫn tăng. Lý do vì sao vậy? Đó là do không có hàng để bán, nguồn cung hạn chế, hầu như không có sẵn hàng.
Anh Tiến - môi giới bất động sản phân khúc căn hộ chung cư quận Thanh Xuân cho biết: “Mọi người cứ nghĩ rằng thị trường bất động sản trầm lắng, chờ thêm một thời gian giá giảm thì mua. Nhưng thực tế, giá không hề giảm mà vẫn tăng bất chấp những biến cố của thị trường. Nguyên nhân vì nguồn cung khan hiếm, không có sẵn hàng nên các dự án cũ được tìm kiếm nhiều”.
Môi giới này cho hay, nhiều người cứ kêu rằng chờ thị trường nhà đất “đóng băng”, hay chờ “bong bóng” bất động sản vỡ mới mua nhà đất...nhưng điều đó rất khó xảy ra.
Anh C.M.H - một nhà đầu tư lâu năm cũng cho rằng đừng mong thị trường địa ốc đang bất ổn thì sẽ có chuyện nhà đất quay đầu giảm giá. Bởi sau nhiều năm đầu tư đất đai, anh H nhận thấy tình trạng bán cắt lỗ, giảm giá chỉ là một vài trường hợp cá biệt không đại diện cho cả thị trường. Có tình trạng như vậy là do nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh. Họ cần phải cơ cấu lại hàng, sẽ bán với mức giá mà họ mua lúc ban đầu và mang tâm lý muốn đẩy hàng đi nhanh. Như thế, giao dịch sẽ khá dễ dàng.
“Đến thời điểm hạ nhiệt và thanh khoản kém càng là lúc nên đi “săn”. Những ai đang có tiền nhàn rỗi thì nên mua nhà đất ngay lúc này. Tôi cho rằng, càng lúc thiên hạ chùn tay thì càng nên đầu tư mạnh. Giữa bối cảnh lạm phát như hiện nay, bất động sản vẫn được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Tôi thấy ai có tiền mua đất lúc này mới là khôn ngoan”.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam cho hay, việc pháp lý dự án vướng mắc kéo dài, cộng thêm giá chi phí đầu vào liên tục tăng và đặc biệt là động thái kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chảy vào lĩnh vực địa ốc của cơ quan quản lý khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm, thanh khoản thị trường tắc nghẽn, từ đó càng đẩy giá bất động sản tăng cao.
“Có 3 yếu tố khiến giá sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp tăng: Một là chi phí đầu vào cao, từ giá đất, giá vật liệu xây dựng đến chi phí tài chính; hai là giá tăng tại những thị trường bền vững, có yếu tố phát triển dài hạn, nhu cầu tại thị trường đó cao và ba là do vướng pháp lý nên không có nhiều dự án mới, khiến nguồn cung sản phẩm khan hiếm hơn, thúc đẩy giá tăng”, ông Lâm phân tích.
Khi được hỏi: “Trong bối cảnh giá bất động sản trên thị trường sơ cấp neo cao, nhà đầu tư có nên đầu tư vào thị trường thứ cấp thời điểm hiện nay?”, ông Phạm Lâm cho rằng, đây là thời gian tốt nhất để đầu tư vào thị trường thứ cấp, nguyên do bởi thị trường đang bước vào giai đoạn sàng lọc, từ nhà phát triển dự án tới nhà đầu tư, ai không đủ năng lực sẽ bị đào thải.
Trường hợp muốn đầu tư vào các dự án đang phát triển, nhà đầu tư cần quan tâm đến một số yếu tố căn bản như quy hoạch, pháp lý dự án, thương hiệu và uy tín của chủ đầu tư..., bởi chỉ khi thị trường biến động thì năng lực của chủ đầu tư mới bộc lộ rõ.
“Thị trường bất động sản ở thời điểm này như đang vào mùa mưa, ai ở ngoài đường sẽ bị ướt nhưng không đại diện cho cả thị trường, cần quan sát, chọn lọc. Mưa rồi sẽ hết, mọi thứ sẽ trở nên sáng lạng. Đừng quá bi quan!”, Chủ tịch DKRA ví von.
Ông Lâm khuyên nên có tâm lý đón nhận, bởi sau mỗi giai đoạn tăng nóng, thị trường cần có sự điều chỉnh, chỉ như vậy mới tạo ra sự ổn định sau này.