Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 vẫn đang lấy ý kiến lần 2
Doanh nghiệp và các tổ chức trung gian, nhà đầu tư đang vô cùng chờ đợi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020 sớm được ban hành, nhưng Dự thảo này vẫn đang lấy ý kiến lần 2.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Bộ đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (gọi tắt là Dự thảo sửa đổi Nghị định 153) để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, điều mà thị trường mong đợi là Dự thảo này sẽ sớm chấm dứt trạng thái... Dự thảo để được ban hành ngay đầu quý III/2022 rất khó xảy ra, dù trước đó đại diện cơ quan chức năng đã chia sẻ thông tin sắp sửa được trình Chính phủ xem xét.
Cụ thể trước đó, tại một sự kiện về đầu tư được tổ chức trong tháng 6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết cơ quan quản lý đã sẵn sàng hạ tầng cứng, hướng đến triển khai "chợ" trái phiếu doanh nghiệp.
Theo bà Bình, Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đã được gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp cách đó vài tuần. Theo quy trình thì sau khi lấy ý kiến Bộ Tư pháp, có thể hoàn chỉnh sớm trình Chính phủ để xem xét ban hành. Tuy nhiên, bà Bình cũng cho biết là trong quá trình cơ quan chức năng gửi Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 tới Bộ Tư pháp, nhiều thành viên của thị trường đã tiếp tục có ý kiến đóng góp cho Dự thảo nên Dự thảo lại vẫn tiếp tục hoàn chỉnh; trong thời gian ngắn sẽ được ban hành.
Vì vậy, thông tin từ cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính vừa cập nhật mới đây về trạng thái Dự thảo đang triển khai lấy ý kiến lần 2 với các cơ quan liên quan cho thấy khó có chuyện Dự thảo sẽ được phê duyệt trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp, chủ thể phát hành, nhà đầu tư trên thị trường sẽ còn phải tiếp tục trông đợi khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ và cơ chế giao dịch tập trung... ở thời gian phía trước; và chưa thể xác định ngay đó là khoảng thời gian nào.
Trong lúc thị trường chờ đợi, Bộ Tài chính mới đây cũng đã tiếp tục phát hành thông cáo báo chí, một lần nữa khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Tài chính cập nhật đến ngày 20/7/2022, lũy kế 7 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/7/2022), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 262,25 nghìn tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 52,3% khối lượng phát hành có tài sản đảm bảo. Lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.
Về cơ cấu phát hành, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành đạt lần lượt là 33,58 % và 9,41% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đạt 4,1%; doanh nghiệp sản xuất đạt 8,7%; các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành đạt 33,6%.
Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp: Các NHTM mua 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.
Với cơ cấu này, có thể thấy sau một giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động, dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi về cấu trúc khối phát hành (xoay quanh nhóm ngân hàng, bất động sản thay nhau dẫn đầu), cũng như về bên mua với cuộc chơi vẫn được chi phối bởi NHTM và các CTCK; duy chỉ có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Một chuyên gia lưu ý là việc giảm nhẹ này là so với nền cao của trái phiếu riêng lẻ đã phát hành bùng nổ năm trước, song thực chất giá trị huy động được vẫn ở mức cao. "Trong bối cảnh khung pháp lý cho phát hành trái phiếu riêng lẻ chưa rõ ràng, các đợt phát hành này cũng có thể tiềm ẩn rủi ro khi chính sách thay đổi - rủi ro cho cả bên phát hành lẫn bên mua và thậm chí là thị trường khi các điều kiện đảm bảo an toàn như xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trách nhiệm nhà phát hành, công bố thông tin.v.v, vẫn chưa cụ thể", chuyên gia lưu ý.
Sau giai đoạn thị trường "co rụt" vì vụ việc Tân Hoàng Minh, các đợt phát hành trái phiểu riêng lẻ và tập trung vào nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng, niêm yết đang dần trở lại, và trái phiếu chào bán ra công chúng vẫn bị doanh nghiệp "ngó lơ".
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh một dẫn chứng về mức độ rủi ro trong môi trường chính sách sẽ còn thay đổi là trong giai đoạn vừa qua, lo ngại về vấn đề này, đã có nhiều doanh nghiệp phải cấp tập mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn. Điều này gây áp lực ngoài kế hoạch đối với dòng tiền doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ cả kênh thị trường nợ lẫn tín dụng. Và áp lực này sẽ còn tăng lên khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đang lớn dần - theo số liệu của Bộ Tài chính là khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn (đến hạn trả nợ gốc) chiếm 43,2%, tương đương 62.470 tỉ đồng ngay trong năm 2022.
Đáng chú ý, một loạt doanh nghiệp mới đây cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Điển hình là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (TP.HCM) 70 triệu đồng. Công ty đã công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định về Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020. Đây là Công ty đã phát hành lô trái phiếu 1.400 tỉ đồng, kỳ hạn 5 năm, với lãi suất lên tới 20%/năm, cao nhất thị trường vào thời điểm đó và cũng ở mức "kịch trần" quy định của cơ quan quản lý, ngoại trừ các công ty phát hành trái phiếu "chui" với các dạng thức chia gói đầu tư nhằm "lách" quy định khác.