Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư

Chia sẻ Facebook
27/08/2022 18:55:55

Chiều nay (26/8), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đồng chủ trì Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


Hội thảo do Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức.


Các ý kiến tại Hội thảo đã đề cập đến hai nhóm nội dung lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra. Bao gồm: cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất, hoàn thiện cơ chế định giá đất, cơ chế đấu giá đất. Đấu thầu dự án có sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất.

Các chuyên gia cũng thảo luận về chế độ quản lý và sử dụng đất đai, việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư trong hoạch định và thực hiện các chính sách tài chính về đất đất đai. Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đất đai, giao đất, cho thuê hay chuyển mục đích sử dụng đất.

Hội thảo nhằm phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia vào việc góp ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đúng đắn quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, và quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến lĩnh vực đất đai. Việc sửa đổi Luật Đất đai cần gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội. Kết quả Hội thảo sẽ được cơ quan Thường trực của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.

Chia sẻ Facebook