Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung tính liên kết vùng trong quy hoạch

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 09:05:10

Nếu như Luật Đất đai năm 2013 vẫn định hướng đảm bảo được tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất nhưng trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này dường như không được nhắc đến. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề này cần cân nhắc kỹ và phải luôn đảm bảo trong luật để tránh tình trạng quy hoạch tự phát hay theo phòng trào, cảm tính, kém hiệu quả và lãng phí nguồn lực đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung tính liên kết vùng trong quy hoạch

Ngày 29-8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại TPHCM. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai, các đối tượng chịu tác động của dự án Luật đã đi sâu trao đổi, thảo luận để làm rõ các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua.

Liên kết vùng trong quy hoạch bị bỏ qua

Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến băn khoăn điều 37, trong đó khẳng định cần phải bổ sung liên kết vùng, liên kết nội vùng.


PGS.TS Trần Văn Tuấn, Trưởng bộ môn quản lý đất đai, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần bổ sung quy định nguyên tắc về tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất, liên kết giữa các vùng kinh tế xã hội với nhau, liên kết trong nội vùng kinh tế – xã hội, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế – xã hội.


“Hiện nay cần phải đưa vào vì thực tế là các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, nhưng tôi nghĩ rằng để liên kết được với nhau, để đưa ra được những chỉ tiêu đảm bảo tính liên vùng và đảm bảo hài hòa, tức là chúng ta tiết kiệm được đất đai. Tôi nghĩ cũng là một vấn đề, cho nên trong quy hoạch sử dụng đất phải làm rõ được nguyên tắc liên kết vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng kinh tế – xã hội”, PGS.TS Trần Văn Tuấn cho hay

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung nguyên tắc liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất. Ảnh minh họa: Lê Quân


Đồng ý với quan điểm này PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, một quy định rất hay của Luật Đất Đai 2013 đảm bảo được tính liên kết vùng miền và đặc thù của các địa phương. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nguyên tắc này đã bị bỏ ra là tương đối nguy hiểm. Điều này dẫn đến cuộc đua quy hoạch theo phong trào, tràn lan từ sân bay cho đến trường đại học… Nếu không có liên kết vùng miền quy hoạch xong sẽ dẫn đến tình trạng bỏ hoang và lãng phí.


“Các địa phương phải xác định được đặc thù của mình là gì để quy hoạch sử dụng đất phù hợp mới phát triển được. Dự thảo có đưa ra định hướng quy hoạch đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch nhưng theo tôi cần phải thêm tính khoa học nữa. Bởi quy hoạch cần phải có luận cứ chứ không phải theo cảm tính dẫn đến nhiều mà không thực hiện được và không hiệu quả”, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh.

Cần gỡ khúc mắc giữa các luật

Tại hội thảo cũng có một số ý kiến, đề xuất cụ thể về sự vận hành, cơ chế thu thập dữ liệu về đất đai, cách thức tính toán giá cho thuê đất hàng năm, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai trong mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm đồng bộ, đúng nguyên tắc xây dựng Luật và phù hợp với thực tiễn.

Trong khi đó, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải “đồng bộ” với các luật khác, tránh chồng chéo, khó áp dụng trong thực tế.

“Hiện nay đang có nhiều chế định giữa dự thảo với Luật Kinh doanh bất động sản, với Luật Nhà ở hiện nay cũng chưa thống nhất. Cho nên chúng tôi cũng lo ngại là trên thực tế sau này có lẽ việc rà soát để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật, trong đó Luật Đất đai là rất quan trọng, là một yêu cầu rất cần thiết để tránh tình trạng dự án có thể bị tắc bởi vì sự khác biệt giữa các luật” – TS. Đậu Anh Tuấn.


Trong khi đó, PGS.TS . Nguyễn Quang Tuyến cũng cho rằng, một trong những bất cập liên quan đến định giá đất trong Luật Đất đai 2013 là trao quá nhiều quyền cho UBND cấp tỉnh và có tình trạng vừa “đá bóng vừa thổi còi”. Tức là UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi đất sau đó UBND cấp tỉnh lại phê duyệt giá đất cụ thể để làm căn cứ tính giá bồi thường cho các dự án mà mình thu hồi đất.

“Đây là một vấn đề chưa hợp lý và các tranh chấp hiện nay vẫn liên quan đến giá bồi thường đất. Nói cách khác là hiện nay với nguồn lực đất đai, Nhà nước chưa cân bằng được lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải lưu ý tới những điểm này để “, ông Tuyến nói.

Phản hồi với các ý kiến đóng góp của chuyên gia Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã trao đổi, nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trong đó, dự thảo Luật tập trung hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước.

Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Xác định rõ trường hợp nào cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định. Đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh.


Thực hiện Nghị quyết số 50/2022 ngày 13-6-2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 03 kỳ họp: cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 (tháng 10-2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 (tháng 10/2023). Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là đơn vị chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

V.Dũng


TBKTSG

Chia sẻ Facebook