Dự thảo Luật Đất đai cần nâng cao vai trò của người dân trong giám sát
Thực tiễn, hoạt động giám sát của người dân vẫn phải thông qua các cơ quan hữu quan, hình thức công dân tự tổ chức quản lý còn tự phát, nhỏ lẻ và kém hiệu quả.
Sáng ngày 9/3, Trường Đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Lập pháp đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân.
Từ các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn, từ khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh đến các vùng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Bởi lẽ, đất đai không chỉ là nguồn lực sản xuất đảm bảo sinh kế cho hơn 70% dân số Việt Nam mà còn là nơi đóng trụ sở, nơi sinh sống, nơi lao động sản xuất, là quê hương nơi gắn bó máu thịt với mỗi con người, tổ chức. Do đó, đất đai nói chung và lĩnh vực pháp luật đất đai nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm chú ý.
Theo đó, “Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết”, ông Kiên khẳng định.
Quy hoạch đất đai còn thiếu tầm nhìn dài hạn
Trao đổi tại Hội thảo, PGS,TS. Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 sau gần 10 năm thi hành, có thể thấy công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng.
Qua đó tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân;…
Từ thực trạng trên dẫn đến hậu quả là nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa thật sự thuyết phục.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
PGS,TS. Hà Hùng Cường đánh giá cao Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì đã bổ sung thêm những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua.
Đồng thời, dự thảo cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh như mong muốn của Đảng và Nhà nước.
Bổ sung vai trò của MTTQVN trong Dự thảo Luật Đất đai
Góp ý thêm vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Nguyễn Văn Pha, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị cần bổ sung rõ hơn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức của mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất.
Trong đó, đại diện MTTQVN cho rằng điều 20 dự thảo Luật cần quy định ngoài UBMTTQVN thì cần có một số tổ chức thành viên có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về hoạt động tham vấn ý kiến người dan về quản lý sử dụng đất, đại diện UBMTTQVN cho rằng nên tham vấn ý kiến người dân đặc biệt là người người dân, các hội viên, đoàn viên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến dự án hoặc chịu tác động đến đời sống khi triển khai dự án.
Bên cạnh đó, để MTUBTQVN được phát huy vai trò trong công tác thuyết phục, vận động người dân chấp thuận giải phóng mặt bằng thì cần cho phép mặt trận được tham gia từ khâu xây dựng dự án.
Nguyên do bởi nếy quy định mặt trận vận động nhân dân mà ngay cả bản thân mặt trận lại không hiểu rõ tường tận về dự án thì việc vận động, thuyết phục sẽ chỉ mang tính hình thức, thiếu thuyết phục.
Cùng với đó, trong Dự thảo Luật có bổ sung thêm trách nhiệm tham gia thẩm định giá đấy, theo ông Pha, đây là trách nhiệm hết sức nặng nề, đây vốn dĩ là công việc thuần tuý chuyên môn của các cơ quan nhà nước.
Vì thế, để có thể thực hiện nhiệm vụ này được tốt nhất, UBMTTQVN kiến nghị nên cho phép các tổ chức thẩm định giá tham vấn ý kiến của người dân, nhất là người dân chịu sự ảnh huởng trực tiếp của dự án như vậy việc tham gia của mặt trận mới thực sự có ý nghĩa.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng Dự thảo Luật cần quy định rõ “tổ chức đại diện hợp pháp” của người dân trong việc giám sát, quản lý sử dụng đất đai để nâng câo vai trò của người dân, quyền của công dân đối với đất đai .