Dư Mậu Xuân: Không có chuyện Mỹ mơ hồ chiến lược về Đài Loan

Chia sẻ Facebook
13/11/2022 18:54:33

Dư Mậu Xuân: Không có chuyện Mỹ mơ hồ chiến lược về Đài Loan

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cựu cố vấn về chính sách Trung Quốc của Chính phủ Mỹ, gần đây đã có bài viết chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không bao giờ tin Mỹ sẽ làm ngơ nếu họ xâm lược Đài Loan. Điều này đủ cho thấy quan điểm Mỹ “ mơ hồ chiến lược” về Đài Loan là không đúng.

Ông Dư Mậu Xuân (phải) của Viện Hudson Mỹ từng là cố vấn chính sách Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)


“Thực ra, rất khó để tìm thấy những nhân vật có ảnh hưởng trong Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) tin việc Mỹ mơ hồ trong chiến lược Đài Loan” , ông Dư Mậu Xuân cho hay trong bài báo trên tờ Taiwan Times tiếng Anh .


Ông Dư Mậu Xuân liệt kê rằng tất cả các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, đều tin tưởng chắc chắn rằng Mỹ sẽ đưa quân đến can thiệp khi quân đội ĐCSTQ xâm lược Đài Loan. Do chiến lược toàn cầu của Mỹ xem Đài Loan là “hàng không mẫu hạm không thể bị nước nhấn chìm”, nên Mỹ sẽ không bao giờ cho phép một nước cộng sản như Trung Quốc chiếm được Đài Loan. Nếu quân đội ĐCSTQ xâm lược Đài Loan thì chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp bằng quân sự.


Ông nói rằng ĐCSTQ cũng đưa ra kế hoạch mở rộng quân sự quy mô lớn trên cơ sở xác định rõ chiến lược của Mỹ. Trong kế hoạch về Đài Loan, ĐCSTQ cũng đặt Mỹ vào nguy cơ của họ. Dư Mậu Xuân nói: “Lý thuyết chiến thắng của quân đội Trung Quốc – điều quyết định các hành động và chiến thuật của họ – coi việc đánh bại quân đội Mỹ là điều kiện tiên quyết để chiếm Đài Loan. Vấn đề này ĐCSTQ không bao giờ nghi ngờ gì”.


Ông nói rằng ĐCSTQ là một chế độ theo chủ nghĩa xét lại, đã có những xung đột về lãnh thổ và lãnh hải dữ dội với nhiều nước láng giềng. ĐCSTQ cũng đang chuẩn bị phát động một loạt các hành động bành trướng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà trong đó Đài Loan là mắt xích đầu tiên.


“Chúng ta không lạ gì với kiểu xâm lược này, như trước đây loạt hành vi xâm lược của Đức Quốc xã bắt đầu bằng việc sáp nhập Sudetenland vào Tiệp Khắc, hay như sự bành trướng kéo dài của Đế quốc Nhật Bản bắt đầu với việc chiếm đóng Mãn Châu (ngày 18/9), những bài học lịch sử đó chưa xa” , ông Dư Mậu Xuân viết. “Đài Loan là Sudetenland của Trung Quốc. ĐCSTQ không mơ hồ về điều này. Do đó chúng ta cũng nên tránh tái diễn ‘mơ hồ chiến lược’ nguy hiểm và tai hại của Munich năm 1938”.

“Mơ hồ chiến lược” tự mâu thuẫn


Dư Mậu Xuân nói rằng do “chiến lược mơ hồ” đối với Đài Loan vốn không được đưa vào các nguyên tắc chiến lược của Mỹ, nhưng điều này hiện được các nhà hoạch định chính sách và các nhân vật có thẩm quyền ở Washington thường xuyên nhắc đến như thể đó là vấn đề thực sự tồn tại.


Ông viết: “Tuy nhiên, chuyện không thật dù có thường xuyên đề cập cũng không thành thực tế được. Chiến lược bảo vệ Đài Loan của Mỹ đã là rõ ràng trong suốt 70 năm qua. Mơ hồ về chiến lược thường là cái cớ rẻ tiền cho sự lười biếng trong suy nghĩ chính sách Trung Quốc của Mỹ”.


Ông giới thiệu rằng ý tưởng về “mơ hồ chiến lược” bắt đầu từ giữa những năm 1990, theo đó những người theo quan điểm này tin rằng sự mơ hồ chiến lược có thể được sử dụng như một phương tiện để xoa dịu Bắc Kinh và là một cách để Washington xây dựng quan hệ với Bắc Kinh mà không khiến ĐCSTQ tức giận để rồi phá hoại “mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới này”.


Ông Dư Mậu Xuân nói rằng “mơ hồ chiến lược” là tự mâu thuẫn về mặt khái niệm, vấn đề làm hòa trộn hai khác biệt cơ bản giữa “ý định chiến lược”“hành động chiến thuật”. Mỹ luôn duy trì các chính sách và hành động rõ ràng về mặt chiến lược liên quan đến “ý định chiến lược” đối với Đài Loan. Kể từ Harry Truman đến các tổng thống kế nhiệm của Mỹ luôn ngầm tuyên bố ý định can thiệp nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, trong “hành động chiến thuật” giống như các kế hoạch quân sự nên thường cho thấy mơ hồ.


Do đó, cân nhắc ứng phó của Mỹ hiện nay đối với khả năng xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ là vấn đề can dự quân sự như thế nào chứ không phải là vấn đề có can dự quân sự hay không.

Nhất quán và rõ ràng qua các đời tổng thống Mỹ


Trong bài báo, ông đã liệt kê chi tiết chính sách chiến lược rõ ràng của Mỹ đối với Đài Loan, qua đó xác minh rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan là nhất quán và rõ ràng.


Vào ngày 25/6/1950, Quân đội Nhân dân Triều Tiên được sự hỗ trợ của ĐCSTQ đã phát động Chiến tranh Triều Tiên. Cùng ngày, Tổng thống Truman khi đó đã điều động Hạm đội 7 đến eo biển Đài Loan để bảo vệ Đài Loan, qua đó cũng trung lập hóa khu vực này.


Năm 1955, Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ký Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Trung-Mỹ. Văn hóa chiến lược phòng thủ rõ ràng của Mỹ đối với Đài Loan đã kéo dài gần 30 năm. Ngày 1/1/1980, Tổng thống Jimmy Carter đơn phương chấm dứt “Hiệp ước phòng thủ chung Trung-Mỹ” , nhưng ngay cả với sự thay đổi này thì Mỹ vẫn không từ bỏ ý định chiến lược trong bảo vệ Đài Loan.


Kể từ những năm 1980, kỷ nguyên Carter-Reagan bắt đầu một giai đoạn phát triển dần dần “rõ ràng chiến lược” (strategic translucency), bao gồm việc năm 1979 thông qua “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act) mang tính bước ngoặt và “6 đảm bảo” của Tổng thống Reagan. Sau đó, thời Tổng thống George H. W. Bush đã đưa ra định hướng mới trong chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan, bằng cách thông qua việc bán cho Đài Loan một số lượng lớn chưa từng có máy bay chiến đấu F-16 tinh nhuệ.


Đặc biệt phải kể trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3 năm 1995-1996, Tổng thống Bill Clinton khi đó đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đến vùng biển gần eo biển Đài Loan để đáp trả việc quân đội ĐCSTQ phóng tên lửa uy hiếp vùng biển Đài Loan.


Đến năm 2001, thời Tổng thống Bush (George W. Bush) cũng tuyên bố rõ rằng ông sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ Đài Loan”. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump sau đó thì mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã phát triển mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc tăng mạnh doanh số bán vũ khí chủ chốt cho Đài Loan và các chuyến thăm Đài Loan thường xuyên hơn của các quan chức cấp cao Mỹ.

Nhất quán và rõ ràng qua các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan


“Trong 6 năm qua, Mỹ đã liên tục củng cố sự rõ ràng chiến lược đối với Đài Loan cho dù là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ nắm quyền” , ông Dư Mậu Xuân nói. “Vấn đề rõ ràng chiến lược của Mỹ xuyên suốt mọi thời khắc khủng hoảng và khiêu khích mà ĐCSTQ tung ra đối với Đài Loan”.


Ví dụ, các tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần vi phạm cái gọi là “lằn ranh đỏ” của ĐCSTQ khi tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan. Tần suất của các hoạt động này so với trước đây đã tăng hơn 10 lần, về cơ bản đã quốc tế hóa eo biển Đài Loan – con đường thủy quan trọng đối với quốc phòng của Đài Loan.


Quốc hội Mỹ cũng đạt được đồng thuận lưỡng đảng về tầm quan trọng của việc bảo vệ Đài Loan.


Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ cũng thường nhắc chiến lược rõ ràng đối với Đài Loan. Ví dụ Đô đốc Samuel J Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chịu trách nhiệm thực hiện các sứ mệnh quân sự của Mỹ nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, cho hay vào ngày 19/10 rằng “Mỹ sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Đài Loan và bất kỳ nỗ lực nào giải quyết vấn đề bằng vũ lực, không có chỗ cho sự mơ hồ”.


Lập trường của Nhà Trắng cũng rõ ràng không kém. Kể từ tháng 10/2021 Tổng thống Joe Biden đã ít nhất 4 lần tuyên bố trước truyền thông rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh xâm lược Đài Loan.


Ông Dư Mậu Xuân cho hay việc Nhà Trắng thường khẳng định không thay đổi trong “chính sách một Trung Quốc” là không mâu thuẫn với chiến lược rõ ràng bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Trái lại, những tuyên bố đó càng khẳng định sự rõ ràng về mặt chiến lược: Việc nhất quán “Chính sách Một Trung Quốc” của Mỹ là thể hiện chiến lược rõ ràng của Mỹ, bởi vì một trong những yếu tố cơ bản của “Chính sách Một Trung Quốc” là Mỹ luôn chống lại sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào để giải quyết vấn đề Đài Loan. Như các thời chính quyền Mỹ kể từ Nixon đã nhiều lần tuyên bố, lập trường này không hề có chút nào mơ hồ!


Theo Lâm Hy, Epoch Times

Giáo sư Đài Loan: Quan hệ Mỹ - Trung có thể chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã không được lãnh đạo các bên tiếp đón kể từ khi họ nhậm chức.

Chia sẻ Facebook