Dự luật có thể giúp thâm hụt NS Mỹ giảm hơn 100 tỷ USD trong 10 năm

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 07:02:34

Các nghị sĩ Dân chủ đang hy vọng, Thượng viện sẽ thông qua dự luật giúp thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang giảm ròng 101,5 tỷ USD trong 10 năm tới.

Dự đoán chính thức của CBO chỉ bằng khoảng 1/3 mức giảm thâm hụt ngân sách 300 tỷ USD mà các Thượng nghị sĩ Dân chủ ước tính. Dự đoán nói trên của CBO không tính 204 tỷ USD mức tăng doanh thu thuế ước tính từ việc tăng cường thi hành luật của Sở Thuế vụ (IRS).

Theo CBO, dự luật này sẽ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 17,9 tỷ USD trong tài khóa 2023, nhưng sẽ làm tăng nhẹ thâm hụt ngân sách từ tài khóa 2024-2027, sau đó lại giảm thâm hụt ngân sách từ tài khóa 2028, với mức giảm trong năm 2031 được dự đoán là 42,6 tỷ USD.

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ khẳng định, hiệu quả giảm thâm hụt ngân sách của dự luật trên sẽ giúp xoa dịu áp lực lạm phát, đồng thời giảm lượng khí thải carbon, hạ giá thuốc kê đơn và tăng thuế đối với các tập đoàn lớn.

Trong khi đó, các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng dự luật này sẽ không làm giảm lạm phát. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng dự luật trên chỉ làm giảm việc làm, tiền lương, thu nhập sau thuế của người Mỹ và làm tăng giá năng lượng, hạn chế các loại thuốc mới.

Dự luật trên có tên Dự luật giảm lạm phát, được Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin công bố hồi tuần trước. Đây là một ưu tiên chủ chốt đối với các nghị sĩ Dân chủ và Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới để giành quyền kiểm soát Quốc hội.

Với 100 ghế tại Thượng viện được chia đều cho 2 đảng, các nghị sĩ Dân chủ dự định thông qua dự luật trên mà không cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa bằng cách sử dụng quy tắc "reconciliation" (hòa giải).

Reconciliation về cơ bản là một cách thức để Thượng viện Mỹ quyết định thông qua một đạo luật chỉ với số phiếu đạt được là 51 phiếu hoặc 50 phiếu (nếu Phó Tổng thống không ra phiếu bầu quyết định). Điều này có nghĩa là phe Dân chủ không được mất sự ủng hộ từ bất kỳ một nghị sĩ nào thuộc đảng mình, tuy nhiên Thượng nghị sĩ Dân chủ Kyrsten Sinema hiện đang phản đối dự luật này

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 13/7, Bộ Tài chính Mỹ công bố số liệu cho thấy, thâm hụt ngân sách của nước này giảm 77% trong 9 tháng đầu tài khóa 2022.


Cụ thể, thâm hụt ngân sách đã giảm 1.700 tỷ USD xuống còn 515 tỷ USD trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022. Kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các công ty trở lại hoạt động bình thường, các khoản chi của chính phủ trợ cấp cho người lao động thất nghiệp giảm mạnh, trong khi nguồn thu từ thuế cá nhân và gia đình tăng lên.

Theo thống kê, các khoản chi tiêu đã giảm 18% so với cùng kỳ năm tài chính trước, trong đó chi tiêu của Bộ Lao động giảm 87%. Trong khi đó, nguồn thu tăng 26% trong bối cảnh các khoản thu thuế cao hơn.

Tuy nhiên, lạm phát tăng đã dẫn đến chi phí vay tăng mạnh, lãi suất nợ công đã tăng 24%. Giá tiêu dùng trong tháng 6 tại Mỹ đã tăng 9,1% - mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ. Lạm phát tăng cao đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng mạnh lãi suất để hạ giá.


Nhưng việc Fed tăng lãi suất càng cao và nhanh thì sẽ càng làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Theo TTXVN , trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America (BoA) dự đoán kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với suy thoái nhẹ trong năm nay.

Thêm vào đó, thông tin GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý 2 sau khi đã giảm 1,6% trong quý đầu tiên năm 2022 được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 28/7 càng khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm 27/8 rằng ông không tin Mỹ đang rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, ông cho biết Fed sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất để đưa giá trở lại mức thấp và rằng một động thái như vậy sẽ không thể tránh khỏi sự chậm lại của nền kinh tế và ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Chủ tịch Powell nói, sự ổn định về giá cả là yếu tố khiến toàn bộ nền kinh tế hoạt động.


Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Lao Động)

Chia sẻ Facebook