Dư luận phẫn nộ vì MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP có cách giải quyết độc hại
MV 'There’s no one at all' của Sơn Tùng M-TP bị chỉ trích vì thiếu sự thấu cảm với các vấn đề xã hội khi nhân vật chính chọn giải pháp tự sát để kết thúc cuộc sống.
Như nhan đề There's no one at all (Không có ai cả), MV đem đến câu chuyện của một con người sống trọn với nỗi cô độc, vừa chào đời đã bị bỏ rơi, lớn lên bị bạn bè hắt hủi, bắt nạt. Chàng trai ấy dần trở nên chai sạn, lãnh đạm với mọi thứ và rồi cứ thế, kẻ bị tổn thương lại luôn tìm cách gây tổn thương cho người khác.
MV There’s no one at all có nhiều cảnh nhân vật khổ sở giằng xé nội tâm, kèm những câu hát chán chường cuộc sống. Không tìm thấy lối ra trên con đường tăm tối chạy mãi mà chẳng thấy điểm dừng, cuối cùng, cái chết lại trở thành lựa chọn duy nhất để giải thoát một tâm hồn vốn đã mục rữa từ bên trong.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến không đồng tình với câu chuyện bi kịch trên. Họ cho rằng nó mang đến thông điệp sống tiêu cực và độc hại, nhất là khi một số sự vụ đáng tiếc về việc tự sát của lứa tuổi thanh thiếu niên vừa xảy ra.
Nhà văn Hoàng Anh Tú đặt vấn đề về việc Sơn Tùng M-TP không dán nhãn cho sản phẩm tiêu cực của mình: "Tất cả đều hoàn hảo với Tùng, MV There’s no one at all ngay lập tức lên top 1, hàng trăm lời tung hô, chúc mừng.
Nhưng có lẽ Tùng chưa làm cha mẹ, Tùng không biết nhiều cha mẹ sẽ giật mình sợ hãi khi con họ xem MV này. Nhất là khi liên tục những vụ nhảy lầu tự tử đã diễn ra khiến các bậc làm cha làm mẹ chưa hết bàng hoàng.
Nếu Tùng biết, việc phân biệt giữa phim ảnh với ngoài đời thực là khó khăn với lũ trẻ. Nếu Tùng biết, tự tử có tính lây lan rất mạnh…
Mỗi sản phẩm khi đưa ra đại chúng, người ta luôn phải gắn nhãn giới hạn độ tuổi. Tôi nghĩ là do Tùng quên hoặc Tùng chưa biết. Ngoài việc Tùng muốn đổi mới bản thân, muốn tạo ra thứ tuyệt phẩm hay cú nhảy vọt của mình, làm ơn, hãy trách nhiệm với các fan, những đứa trẻ có khi mới 6 - 16 tuổi".
Tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tác động lớn đối với nhận thức con người, không thể coi là giải trí đơn thuần. Một bài hát có thể u buồn, nhưng là để giúp người ta được trải lòng và chữa lành, chứ không phải khiến mọi thứ đi vào ngõ cụt.
Có thể Sơn Tùng M-TP muốn quan tâm đến thân phận những người cô đơn khốn khổ chứ không chủ ý cổ xúy cho cách giải quyết vướng mắc cuộc sống bằng nhảy lầu tự tử.
Nhưng nguy hiểm ở chỗ với lượng khán giả hâm mộ chủ yếu là học sinh, sinh viên - những người trẻ chưa đủ chín chắn và đang gặp rất nhiều áp lực lẫn chênh vênh - cách chọn tự sát để giải thoát khổ đau rất dễ ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ.
Trang fanpage Bà Đồng được giới trẻ yêu thích bức xúc: "Gạt bỏ hết những tranh cãi liên quan tới đạo nhái thì nội dung MV There's no one at all cũng không thể chấp nhận được. Trong tích tắc nào đó khó khăn của tinh thần, MV cung cấp giải pháp đáng sợ cho người xem.
Dù có hướng tới tầm quốc tế hay vũ trụ thì khán giả chính vẫn là người trẻ xứ này, những người thi thoảng xuất hiện bất đắc dĩ trên bản tin vì những cú rơi trong tuyệt vọng. Không có ác cảm gì với Sơn Tùng, nhưng MV There's no one at all đáng bị lên án vì nó đã bước qua lằn ranh đỏ của đạo đức nghệ sĩ. Những sản phẩm như thế, không đáng tồn tại".
Tài khoản Nguyễn Quốc Toàn nêu ý kiến cần phải gỡ bỏ ngay lập tức MV khỏi YouTube và yêu cầu đội ngũ sản xuất lẫn tác giả xin lỗi công khai:
"Nghệ sĩ càng có ảnh hưởng thì càng cần có trách nhiệm với hành động của mình. Không thể nhân danh nghệ thuật mà có hành động tác động tiêu cực. Không thể nhân danh sáng tạo mà cổ vũ cho cái chết. Không thể nhân danh tự do ngôn luận mà khuyến khích cho một trào lưu cực đoan.
Còn với các bạn trẻ: There will always to be with you - Luôn có người bên cạnh các bạn. Bất cứ lúc nào các bạn cần, trong bất cứ hoàn cảnh đau khổ gì, chỉ cần giơ tay là có người đứng bên các bạn. Cuộc đời có rất nhiều điều thú vị và rất đáng sống".
Trong cơn bão phẫn nộ của dư luận, vẫn có một số ít ý kiến bênh vực Sơn Tùng M-TP vì cho rằng MV nó chỉ nói về sự cô đơn của những con người bị bỏ rơi trong xã hội, không có gì vi phạm pháp luật và trên YouTube cũng có nhan nhản các sản phẩm gieo rắc sự chết chóc tương tự.
Khán giả Trần Minh phản bác quan điểm này: "Ngoài những vụ các em thanh thiếu niên tự tử gần đây, thì xã hội cũng vừa trải qua 3 năm COVID-19 nhiều đau đớn, mất mát. Đây là lúc chúng ta đang cần năng lượng chữa lành, có nhất thiết phải ra mắt 1 MV tiêu cực, bế tắc vậy ở thời điểm này không?
Nếu có thể, hãy làm những sản phẩm để các bạn trẻ nhìn thấy ở đó sự thấu hiểu để bấu víu vào như một chiếc phao cứu sinh, chứ không phải là tảng đá nhấn chìm họ trong tuyệt vọng.
Nhiều khi Sơn Tùng gây cảm giác cậu ấy không sống cùng một xã hội với chúng ta. Chưa thấy tham vọng chinh phục thị trường quốc tế đi tới đâu, nhưng MV There’s no one at all lại cho thấy một điều là Sơn Tùng M-TP vừa thiếu hiểu biết, vừa thiếu thấu cảm với các vấn đề xã hội".
Phẫn nộ với cái kết “nhảy lầu” trong MV
Sau khi Sơn Tùng M-TP tung MV There's no one at all (tạm dịch: "Không có ai cả"), sáng 29-4, hàng loạt phụ huynh có con ở lứa tuổi teen dậy sóng phẫn nộ đòi "tẩy chay".
Trong MV, c ách chọn cái kết tiêu cực cho nhân vật của mình khiến nhiều người phẫn nộ. Nhiều phụ huynh lo ngại chính sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP và nội dung tiêu cực của nhân vật chính trong MV sẽ khiến người trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh "ăn chưa no, nghĩ chưa tới" bị tác động khi gặp áp lực cuộc sống như bị bắt nạt, học hành nhiều hoặc cuộc sống không vừa ý…
"Lúc này clip đã có 5 triệu views, nhưng đoạn kết thúc clip là những cảnh rất tiêu cực, quá ám ảnh về những chuyện tương tự vừa xảy ra mới đây. Sơn Tùng là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ. Tuổi mới lớn nghe Tùng nhiều lắm.
Những MV và hành động của Tùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các bạn ấy. Nên dù chỉ một trẻ bắt chước theo đoạn cuối clip cũng là quá kinh hãi rồi" - Facebooker Trần Thu Hà tâm tư viết.
"Tôi xem MV mà ám ảnh quá, tôi lo sợ con tôi có thể xem được MV này. Trẻ con bây giờ chỉ thích làm giống thần tượng.
Đứa trẻ có thể nghĩ rằng thần tượng làm vậy chứng tỏ thần tượng rất "chi và này nọ". Để khẳng định bản thân, khẳng định cái tôi chưa đủ lớn, những đứa trẻ vì một chút không vừa ý với cuộc sống cũng có thể làm vậy.
Thật đáng lo cho kiểu MV ám ảnh và tiêu cực đến thế. Tôi tẩy chay cái MV này. Mong cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi sản phẩm" - chị Nguyễn Thùy Linh, một bà mẹ có 2 con tại TP.HCM, bức xúc chỉ trích.
Dưới góc độ một người làm công tác giáo dục, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng âm nhạc là nhu cầu rất cần cho con người mọi thời đại, mọi lứa tuổi.
Những ca sĩ trẻ hát hay có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội. Sơn Tùng M-TP là một thần tượng của giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đã là thần tượng thì các em bắt chước Sơn Tùng từ kiểu tóc, cách trang điểm, cách ăn mặc, cách đi đứng, cách tổ chức các buổi tiệc… Các em còn mua vé ủng hộ Sơn Tùng. Điều đó xã hội không trách.
"Nhưng bản thân thần tượng phải nhận thức rằng một sản phẩm - MV của họ làm ra để phục vụ đời sống âm nhạc của xã hội thì không thể có những cảnh phản cảm, nhạy cảm, ám ảnh và cổ xúy suy nghĩ tiêu cực như MV mới ra hôm qua 28-4.
Dưới góc độ của người làm công tác giáo dục, tôi rất sợ, rất lo. Tôi sợ và lo vì thực tế trên thế giới có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi fan học theo nội dung trong các MV, các phim hoặc học theo đời sống của thần tượng.
Hơn nữa, thời gian gần đây chúng ta chứng kiến không ít trường hợp đau lòng của học sinh mà các em tìm kết thúc tiêu cực, để sầu để khổ cho phụ huynh. Tôi cho rằng những sản phẩm kiểu đó không nên được lưu hành hoặc phải điều chỉnh lại làm sao cho vừa đạt tính thẩm mỹ và mang lại nhận thức cảm thụ âm nhạc trọn vẹn nhưng cũng xứng đáng được thần tượng yêu quý" - thầy Phú nêu ý kiến.
Nhận thấy MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã gửi yêu cầu cho phía Google ngăn chặn MV này ngay lập tức, các nền tảng mạng khác không được đăng tải.