Du lịch Việt thất bát: Vì sao?

Chia sẻ Facebook
15/02/2023 23:50:19

Là một trong những quốc gia sớm mở cửa trở lại trong khu vực châu Á sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, năm 2022, du lịch Việt Nam chỉ đón được khoảng 3.5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu để tạo ra tổng thu 4.5 tỷ USD. Ở mảng du lịch nội địa, dù có sự tăng trưởng mạnh khi đạt 100 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt khách song, mức chi tiêu, mua sắm đi kèm lại không tăng trưởng tương xứng. Chỉ tính riêng du lịch Tết Nguyên đán vừa qua, tại TP.HCM, doanh nghiệp lữ hành thành phố phục vụ khoảng 23,000 lượt khách nội địa với doanh thu khoảng 148 tỷ đồng; trong khi với 18,000 lượt khách đi du lịch nước ngoài đã đạt doanh thu 431 tỷ đồng.

Du lịch Việt thất bát: Vì sao?


Là một trong những quốc gia sớm mở cửa trở lại trong khu vực châu Á sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, năm 2022, du lịch Việt Nam chỉ đón được khoảng 3.5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu để tạo ra tổng thu 4.5 tỷ USD . Ở mảng du lịch nội địa, dù có sự tăng trưởng mạnh khi đạt 100 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt khách song, mức chi tiêu, mua sắm đi kèm lại không tăng trưởng tương xứng. Chỉ tính riêng du lịch Tết Nguyên đán vừa qua, tại TP.HCM , doanh nghiệp lữ hành thành phố phục vụ khoảng 23,000 lượt khách nội địa với doanh thu khoảng 148 tỷ đồng; trong khi với 18,000 lượt khách đi du lịch nước ngoài đã đạt doanh thu 431 tỷ đồng.

Quá nhiều câu hỏi đặt ra và cần được trả lời thấu đáo: Vì sao rào cản visa dù đã được nêu ra từ sớm, ngay khi Việt Nam chuẩn bị mở cửa du lịch (tức từ 15/03/2022) mà vẫn chưa được tháo gỡ? Chỉ tính riêng số ngày miễn thị thực của Việt Nam chỉ là 15 ngày, so với 30 ngày - 45 ngày, thậm chí có nước 90 ngày trong khu vực; hoặc chính sách miễn thị thực được Malaysia, Singapore áp dụng cho 162 nước, Philipppines miễn cho 157 nước, Thái Lan 65 nước, còn Việt Nam mới miễn 24 nước; thì thử hỏi tính cạnh tranh nằm ở đâu? Vì sao du lịch nội địa vẫn chưa thể “kích hoạt” và “kích cầu” tinh thần ủng hộ “hàng Việt Nam chất lượng cao” để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho du lịch - mua sắm - tiêu dùng - ăn uống - giao thông…?


Và mới đây, nhật báo uy tín Nikkei Asia đã có một bài viết phản ánh tình trạng nhà vệ sinh công cộng của Việt Nam, trong đó có dẫn khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 1/2023. Khảo sát được tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới. Kết quả, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội xếp thứ 66/69, TP.HCM xếp thứ 67/69, đứng trên được Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập nhưng xếp dưới xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như TP Kuala Lumpur (Malaysia) thứ 42/69, Bangkok (Thái Lan) 45...


Du lịch Việt Nam - TP.HCM , không chỉ thu hút, giữ chân du khách bởi phong cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa, ẩm thực phong phú, con người thân thiện mà còn phải đặt chuẩn tối thiểu ở những hạng mục cơ bản như nhà vệ sinh phải sạch sẽ, tiện dụng, an toàn và phổ biến. Một khi không đạt được thì đây chính là một trong những điểm trừ lớn nhất mà cũng là nỗi ám ảnh nhất của du khách trong lẫn ngoài nước khi du lịch tại Việt Nam.

Với một lĩnh vực mà sức đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP quốc gia lên tới trên 10% thì rõ ràng, cần có một sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, về mặt cơ chế lẫn đầu tư, khai thác. Nó phải là cái bắt tay thật chặt “win-win” và cùng thúc đẩy, kích hoạt lẫn nhau từ nhà nước, các đơn vị khai thác, phát triển tour - tuyến cho đến nhà cung cấp dịch vụ hàng không, nhà xe, nhà hàng, nhà cung cấp dịch vụ tại chỗ... chứ không thể rời rạc, mạnh ai nấy chạy như hiện nay.

Cơ sở hạ tầng, cung cách dịch vụ luôn là một điểm trừ… bền vững của ngành du lịch Việt. Ngoài việc bị hạn chế bởi quy mô của hạ tầng sân bay, hệ thống giao thông thường xuyên bị ùn tắc… thì cung cách phục vụ ở các “trạm” cửa ngõ này, cho đến nay vẫn rơi rớt một số “điểm đen”, ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt của ngành ở tầm quốc gia. Các vụ việc vòi vĩnh, làm khó, lối ứng xử, cung cách giao tiếp của nhân viên trong khu vực sân bay vừa qua là một sự xấu xí đáng bị lên án và cần phải có giải pháp ngăn chặn để không lặp lại, xảy ra.

Rõ ràng, chúng ta chậm cả về mặt khắc phục, sửa chữa lẫn chậm trong dự báo, đón đầu nên các cơ hội vàng cứ lần lượt trôi qua ngay trước mắt. Như tâm lý được mở cửa, xả cửa sau một thời gian bị phong tỏa, giãn cách bởi dịch bệnh, đa số sẽ tự động rơi vào hội chứng “hưởng thụ trả thù”, từ đi du lịch, mua sắm, tiêu xài, ăn uống… Nếu ngành du lịch biết cách tận dụng, khai thác kịp thời sẽ hứa hẹn bội thu.

Trải qua một thời gian hơn 2 năm cầm cự, gồng gánh vì đóng cửa, nhiều cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí sửa chữa, nâng cấp eo hẹp nên thiếu tiện ích; nhất là cộng với làn sóng nghỉ việc, chuyển việc của nhiều nhân viên, lao động ở hầu hết các bộ phận của ngành du lịch như khách sạn, ẩm thực, hướng dẫn viên… đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ con người, nhất là ở các bộ phận đòi hỏi tính chuyên môn, kinh nghiệm cao. Việc không thể, không kịp chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ lẫn cơ sở vật chất để đón đầu các cơ hội là nguyên nhân kế tiếp khiến nội lực của ngành du lịch bị suy giảm mạnh.

Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt nhiều câu hỏi về các điểm nghẽn của ngành du lịch: “Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá đã xứng tầm chưa?".

Trả lời trung thực, rõ ràng các câu hỏi trên, bằng hành động thực thi, hiệu quả cụ thể là ngành du lịch sẽ tiếp tục đóng góp 12-15% vào GDP quốc gia, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Quốc Học

Chia sẻ Facebook