Du lịch Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới
Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.
Chỉ số nào tăng, chỉ số nào giảm?
Theo Tổng cục du lịch, về tương quan trong khu vực, Việt Nam làm tốt hơn rất nhiều so với các điểm đến nổi tiếng khác như Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36, Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38, Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.
Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm, gồm: (1) Môi trường hoạt động; (2) Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch; (3) Cơ sở hạ tầng; (4) Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và (5) Sự bền vững của du lịch.
Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35), gồm có: (1) Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; (2) Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; (3) Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; (4) Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; (5) Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; (6) An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 7 chỉ số trụ cột được xếp trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới (hạng 36-70), đó là: (1) Môi trường kinh doanh, xếp hạng 42; (2) Nhân lực và thị trường lao động, xếp hạng 49; (3) Hạ tầng mặt đất và cảng, xếp hạng 50; (4) Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, xếp hạng 54; (5) Sức chống chịu kinh tế - xã hội, xếp hạng 61; (6) Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch, xếp hạng 66; (7) Mức độ mở cửa quốc tế, xếp hạng 69.
Như vậy, trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới.
Đặc biệt, những chỉ số tăng hạng nhiều nhất như: Môi trường kinh doanh tăng 30 bậc; Nhân lực và thị trường lao động tăng 27 bậc; Sức cạnh tranh về giá tăng 20 bậc; An toàn, an ninh tăng 16 bậc; Hạ tầng mặt đất và cảng tăng 15 bậc. Đây là những động lực chủ yếu giúp Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp vào 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới.
Nhìn chung, những thế mạnh có thể kiến tạo động lực phát triển của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới đã có sự cải thiện rất đáng kể, bao gồm 6 chỉ số trụ cột nằm trong nhóm chỉ số dẫn đầu thế giới (hạng 1-35). Trong đó có sự bổ sung của những chỉ số rất quan trọng như an toàn, an ninh là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời kỳ sau đại dịch. Bên cạnh đó là hạ tầng hàng không - chỉ số then chốt quyết định khả năng kết nối đi lại du lịch. Bảy chỉ số khác của Việt Nam nằm trong nhóm trung bình cao (hạng 36-70) cũng là những yếu tố sẽ góp phần định hình sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau đại dịch.
Tuy nhiên bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn còn một số nhóm chỉ số bị sụt giảm như: Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (giảm 2 bậc), Hạ tầng dịch vụ du lịch (giảm 1 bậc), Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (giảm 3 bậc), Sự bền vững về môi trường (giảm 2 bậc). Dù vậy mức độ sụt giảm không nhiều, chỉ từ 1 đến 3 bậc so với năm 2019.
Bốn chỉ số bị xếp hạng thấp nhất của du lịch Việt Nam đó là: Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; Hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp hạng 86; Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, xếp hạng 87; Sự bền vững về môi trường, xếp hạng 94. Đây là những hạn chế của du lịch Việt Nam qua các kỳ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó một chỉ số quan trọng là mức độ ưu tiên cho ngành du lịch vẫn xếp hạng thấp.
Du lịch “thức tỉnh”, sẵn sàng đón 65 triệu khách du lịch
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Thông tin tổng hợp từ các hiệp hội địa phương, các liên chi hội lữ hành, khách sạn cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, trong đó gần như khối khách sạn, dịch vụ cơ bản khởi động lại hoàn toàn do công suất phòng đều kín dịp này.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thanh Hóa Trần Đình Sơn, là một trong những địa phương đang "vươn mình" đưa du lịch "cất cánh", tỉnh Thanh Hóa đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững và thu hút du khách.
Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 5241/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đến năm 2030. Hải Tiến sẽ được phát triển không gian, cải tạo đô thị theo hướng Tây và Nam, kết nối với Tp.Sầm Sơn để hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn.
Như vậy, Hải Tiến sẽ là đô thị loại V và sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa với các loại hình du lịch: nghỉ mát, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; là trung tâm dịch vụ - thương mại, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… .
Thị trường khách sạn đầy triển vọng trong 2 quý cuối năm
Trên cơ sở sự hồi phục của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại, kéo theo sự “thức tỉnh” của thị trường khách sạn, các chuyên gia đánh giá, trong hai quý cuối năm, đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục giữ nhịp.
Đặc biệt, theo nhiều nhận định, hai quý đầu năm 2022, thị trường khách sạn mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi, phải đến hai quý cuối năm, lĩnh vực này mới thực sự tăng tốc mạnh mẽ để lấy lại phong độ. Theo đó, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được các chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, các chủ đầu tư khách sạn cũng sẽ tìm đến những giải pháp tối ưu hóa hiệu suất và dịch vụ, các công ty quản lý tài sản.
Đánh giá triển vọng thị trường khách sạn hai quý cuối năm 2022 với Reatimes , bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng: “Triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, riêng Tp.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental”.
Cũng theo đại diện Savills, thị trường khách sạn cuối năm nay sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng “khách sạn hóa bất động sản thương mại” ngày càng nhiều. Các khu vực tận dụng tốt môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch sẽ thu hút được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội.
Với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư háo hức tìm kiếm các tài sản có thể tạo ra thu nhập và đồng thời chống lạm phát đáng kể, ngành nhà nghỉ, khách sạn sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào sẵn sàng triển khai.
Có thể nói, bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại và kỳ vọng phát triển như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với trên 90% dân số được tiêm chủng vắc-xin vào cuối năm 2022, ngành du lịch cũng như các cơ sở lưu trú sẽ có cơ hội tốt để hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hương Anh (tổng hợp)